Phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản Lâm Đồng In trang
16/08/2022 08:02 SA

Để phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cần khai thác, phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và đất đai để tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận thăm Mô hình Nuôi cá tầm tại xã Rô Men, huyện Đam Rông. Ảnh: Ngọc Ngà
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận thăm Mô hình Nuôi cá tầm tại xã Rô Men, huyện Đam Rông. Ảnh: Ngọc Ngà

• SẢN LƯỢNG THỦY SẢN ĐẠT KHOẢNG 9.330 TẤN

Thống kê đến hết năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 2.350 ha. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh Lâm Đồng ước đạt khoảng 9.330 tấn, trong đó gồm 8.080 tấn cá truyền thống ở các hồ chứa nhỏ (cá mè hoa, chép, trắm cỏ, rô phi, lươn, ếch, ba ba) và 1.265 tấn cá nước lạnh nuôi lồng bè trên hồ chứa tập trung (cá tầm, cá hồi). Địa bàn nuôi trồng tập trung chủ yếu các huyện Lâm Hà (939 ha), Bảo Lâm (274 ha), Đức Trọng (257 ha), Cát Tiên (gần 203 ha), Đam Rông (175 ha), Di Linh (131 ha), Đơn Dương (66,5 ha), Đạ Tẻh (63 ha) và thành phố Bảo Lộc (134,4 ha).

Cụ thể, với cá truyền thống được nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến chiếm khoảng 83% diện tích mặt nước, 17% còn lại nuôi thâm canh và bán thâm canh; cá nước lạnh chủ yếu nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao. Toàn tỉnh Lâm Đồng có 34 cơ sở nuôi cá trên 444 lồng bè (thể tích gần 30.000 m3), trong đó chiếm 67% số lồng bè nuôi cá tầm tập trung trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Khu Du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên và các hồ đập lớn nằm dọc sông Đồng Nai. Ngoài ra, còn có 42 cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi với thể tích khoảng 128.560 m3 trong bể xi măng, bể composite, ao lót bạt tại huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông và thành phố Đà Lạt.

Bên cạnh đó, tổng thể tích ao hồ ương dưỡng cá giống khoảng 8.320 m3, tập trung phần lớn trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, đạt sản lượng hàng năm khoảng 30 triệu con, trong đó cá nước lạnh khoảng 4,3 triệu con. Riêng tổng sản lượng thủy sản khai thác tại các hồ chứa, đập, sông suối tự nhiên khoảng 264 tấn vào năm 2021, trong đó gồm 225 tấn cá, 22,5 tấn tôm và 16,5 tấn thủy sản khác.

Thị trường tiêu thụ các loại cá truyền thống Lâm Đồng chiếm phần lớn tại hệ thống chợ xã, chợ huyện và chợ tỉnh thông qua các đầu mối trung gian tại địa phương. Riêng đối với các nước lạnh, một số doanh nghiệp vừa đầu tư nuôi thương phẩm, vừa chế biến dòng sản phẩm cao cấp có hiệu quả kinh tế lớn là trứng cá đen khoảng 1,5 tấn /năm. “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh Lâm Đồng đang hoạt động khá hiệu quả từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, cung ứng thức ăn và tổ chức thị trường tiêu thụ theo kế hoạch hàng năm. Một số chủ trì liên kết vừa phát triển nuôi thương phẩm vừa bao tiêu sản phẩm cho các trang trại cá nước lạnh, cung ứng ổn định trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ”, theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.

Nuôi cá tầm theo mô hình chuỗi liên kết ở xã Rô Men, huyện Đam Rông
Nuôi cá tầm theo mô hình chuỗi liên kết ở xã Rô Men, huyện Đam Rông

• CẦN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN VỀ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện 3 đề tài nghiên cứu nuôi thử nghiệm cá trắng châu Âu; nghiên cứu tác nhân gây bệnh do ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn trên cá giống và trứng cá hồi, cá tầm; nghiên cứu tác nhân gây bệnh là virus trên cá giống của cá hồi và cá tầm. Riêng Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã triển khai 7 mô hình với 19 hộ tham gia nuôi thủy sản đối tượng mới như: cá hô, cá ét mọi, cá chài..., mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức nuôi truyền thống từ 20 - 30%.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá chung của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, sản lượng thủy sản của tỉnh vẫn ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung. Nguyên nhân do trình độ kỹ thuật của phần lớn người nuôi trồng thủy sản còn thấp, lại gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, hình thức nuôi chủ yếu quảng canh và quảng canh cải tiến, dẫn đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế hạn chế so với tiềm năng, lợi thế về các điều kiện ưu đãi của thiên nhiên về khí hậu, diện tích mặt nước, nguồn lao động dồi dào ở địa phương…

Để đảm bảo việc sản xuất, cung ứng sản phẩm thủy sản theo nhu cầu thị trường ngày càng phát triển, lưu giữ các giá trị về đa dạng tài nguyên thủy sản quý hiếm có giá trị khoa học và ý nghĩa kinh tế, góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng các vùng nước tự nhiên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cần thực hiện điều tra, đánh giá toàn diện về nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên địa bàn, qua đó hoạch định và triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển chiến lược, đạt hiệu quả cao hơn…

 

(LĐ online)

Lượt xem: 6.640
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007229158
  •  Đang online: 204
  •  Trong tuần: 32.736
  •  Trong tháng: 169.132
  •  Trong năm: 2.352.729