Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta niềm tin chiến thắng như một chân lý trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược: Dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ, dù cho Mỹ nhiều người, lắm của, vũ khí tối tân nhưng vẫn sẽ thất bại như chính đồng minh của Mỹ - đế quốc Pháp năm xưa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta tuy đã đi xa nhưng Người đã để lại cho toàn dân, toàn Đảng những tư tưởng, quan điểm về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong bản Di chúc mà Người viết trước khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, chúng ta tìm thấy ánh hào quang tỏa sáng, làm nền tảng cơ bản để vạch đường đi cho cách mạng Việt Nam. Một trong các giá trị quý báu đó, là niềm tin lạc quan vào ngày mai, niềm tin chiến thắng tất yếu của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Tư tưởng của Người thể hiện sự thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin trong xem xét đánh giá sự vận động và phát triển của sự vật hiện tượng: cái mới, cái tất yếu sẽ ra đời và chiến thắng cái cũ, cái lạc hậu, cái phi nghĩa. Giá trị phương pháp luận đó được Hồ Chí Minh vận dụng vào cuộc chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta và đi đến khẳng định: dù khó khăn, gian khổ và hy sinh mất mát, nhưng chúng ta nhất định giành thắng lợi. Đồng bào ta được sum họp một nhà trong khúc khải hoàn ca chiến thắng. Đế quốc Mỹ chắc chắn phải cút khỏi nước ta. Việc Hoa Kỳ sẽ thất bại và Việt Nam giành chiến thắng là tất yếu như nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng chiến sĩ miền Nam năm 1965. Ảnh:Tư liệu
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự thất bại tất yếu của đế quốc Mỹ
Như chúng ta đã biết, Di chúc của Người được viết vào thời điểm toàn thể dân tộc Việt Nam đang bước vào giai đoạn cam go trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giai đoạn này, Hoa kỳ tăng cường cả kinh tế và quân đội với quyết tâm củng cố chính quyền Việt Nam cộng hòa và sẵn sàng cho việc “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Tuy vậy, với tầm nhìn chiến lược, niềm tin vào chính nghĩa, vào sức mạnh của dân tộc và quân đội anh hùng, với ý chí quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Người đã khẳng định: chúng ta nhất định chiến thắng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc để thống nhất non sông. Ngay dòng mở đầu của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Niềm tin của Người về việc đế quốc Mỹ sẽ thất bại trong một thời gian không xa, ngày non sông gấm vóc Việt Nam liền một dải đã đến rất gần, gần đến độ như nhìn thấy rõ. Chỉ trong mấy năm nữa thôi là đế quốc Mỹ sẽ thảm bại. Thất bại đó của Hoa Kỳ được Người dự báo trước, nó không phải được tính là mười năm hay hàng chục năm mà nó chỉ được tính bằng năm. Người khẳng định như một chân lý: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”.
Tiếp tục niềm tin chiến thắng đó, Người lại khẳng định thêm một lần nữa là chúng ta nhất định sẽ thắng Mỹ, cho dù Mỹ là một cường quốc, một tên sen đầm trong các nước đế quốc, còn Việt Nam chỉ là một nước nhỏ, đất không rộng, người không đông và dân chưa giàu. “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra năm 1973 khi người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Để rồi, hơn 2 năm sau, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, người Mỹ cuối cùng trong bộ máy chiến tranh của Hoa Kỳ đã phải tháo chạy khỏi miền Nam Việt Nam, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin về sự thắng lợi tất yếu của dân tộc Việt Nam trước đế quốc Mỹ xâm lược
Một trong những nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ đến mấy thì niềm tin chiến thắng vẫn tràn đầy hy vọng. Không phải đến khi viết Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có niềm tin chiến thắng, về ngày mai tươi sáng của dân tộc. Thời kỳ bị quân đội Tưởng Giới Thạch bắt giam, thân thể Người bị giam cầm với: “Răng rụng mất một chiếc. Tóc bạc thêm mấy phần. Gầy đen như quỷ đói. Ghẻ lở mọc đầy thân”. Nhưng trong bối cảnh hiểm nguy gian khổ như thế, Người vẫn sáng ngời ý chí cách mạng và niềm tin chiến thắng. Mặc dù “Vật chất tuy gian khổ” nhưng Người vẫn “Không nao núng tinh thần”. Để rồi: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.
Tại thời điểm viết Di chúc, dù biết trước đế quốc Mỹ chắc chắn sẽ thất bại, dân tộc Việt Nam chắc chắn giành chiến thắng, nhưng, Người cũng chỉ ra rằng, chiến thắng đó không phải ngẫu nhiên mà có, không do ai ban tặng, mà đó là chiến thắng trước hết bởi sự tự tôn của dân tộc; tự lực, tự cường, lấy sức ta để giải phóng cho ta chứ không trông chờ, ỷ lại. Như Người đã từng nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Chiến thắng đó thể hiện sự quyết tâm và khát khao về sự đoàn tụ của toàn thể dân tộc Việt Nam về một nền hòa bình và độc lập trên với một chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Đó là chiến thắng khó khăn, vất vả, hy sinh mất mát được đánh đổi bằng cả của cải và máu xương. Theo Người, “Đồng bào ta có thể sẽ hy sinh nhiều của, nhiều người” , “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá”. Nhưng với tinh thần quyết tâm: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, giành lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân. Vì thế: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta”, mặc cho Hoa Kỳ có B52, tàu ngầm... được coi là hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Nhưng, với ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết thắng của cả dân tộc, Nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành chiến thắng trước đế quốc Mỹ. Cụm từ “nhất định” được Người sử dụng nhiều lần như muốn thể hiện sự quyết tâm, sự tất thắng của dân tộc Việt Nam. Rằng: “Nhân dân ta nhất định thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Tiếp tục chứng minh sự thắng lợi tất yếu của dân tộc Việt Nam trước đế quốc Mỹ, Người lấy sự kiện “Lừng lẫy năm châu” khiến cả thế giới phải kinh ngạc và khâm phục khi Việt Nam đánh bại đế quốc Pháp vào năm 1954 để khẳng định rằng: dân tộc Việt Nam sẽ thắng Mỹ như đã từng thắng Pháp. Lúc cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra, không nhiều người trên thế giới này tin rằng Việt Nam sẽ giành được chiến thắng trước gã khổng lồ đế quốc Pháp với nhiều tàu to, súng lớn... Họ coi cuộc chiến đấu này chẳng khác nào là “Châu chấu đá voi”. Chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể Nhân dân Việt Nam có niềm tin sắt đá đó. Và rồi thực tiễn đã chứng minh, Việt Nam đã thắng Pháp, và “Voi đã lòi ruột ra”. Đến đây, Người nhấn mạnh: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ”.
Trên cơ sở những dự báo của Người và niềm tin vào tương lai chiến thắng trước đế quốc Mỹ, lịch sử dân tộc Việt Nam đã có câu trả lời. Thực tiễn đã chứng minh cho chúng ta thấy những khẳng định trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc là hoàn toàn đúng đắn. Mỹ đã cuốn cờ về nước năm 1973. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thu non sông về một mối. Việt Nam trở thành ngọn cờ, là niềm tin cho các quốc gia tìm lại độc lập tự do, thoát khỏi ách đô hộ của bọn đế quốc thực dân.
Niềm tin tất thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn đến cao độ khi Người còn chủ động xây dựng chương trình đón mừng thắng lợi của dân tộc Việt Nam bằng kế hoạch đi khắp hai miền Nam Bắc, trong đó Người mong ước được trở lại với miền Nam “Thành đồng của Tổ quốc”, là nơi “Đi trước về sau”. “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Với niềm tin Việt Nam sẽ chiến thắng, Người có kế hoạch đi đến tận những nước nào đã quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam khi chúng ta trong khói lửa chiến tranh, nhất là các nước XHCN anh em đã vì Việt Nam mà sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình. Người viết: “Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt Nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Đây là sự tri ân sâu sắc về những giúp đỡ to lớn, chí tình chí nghĩa, vô tư trong sáng vì hòa bình và tiến bộ của các tổ chức, các quốc gia mà đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đồng thời, là sự thấm nhuần và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam khi Người coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng ở các nước xã hội chủ nghĩa; là một bộ phận của cách mạng thế giới và như hai cánh của một con chim.
50 năm Người đã đi xa, nhưng Di chúc của Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân tầm nhìn xa trông rộng về công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, nhất là trong điều kiện vừa trải qua chiến tranh. Đồng thời, Người đã gieo hạt giống niềm tin sáng ngời trong mỗi chúng ta để dù trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện khó khăn, gian khổ nào cũng cần phải có niềm tin về sự ra đời của cái mới, cái tích cực.
Chính niềm tin chiến thắng đã giúp Người vượt qua mọi trở ngại gian lao trong hoạt động cách mạng; thúc đẩy Người có những quyết sách táo bạo, đúng đắn trong lãnh đạo Nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc thực dân. Và cũng chính niềm tin chiến thắng của Người để lại trong bản Di chúc đã trở thành sức mạnh vật chất, tiếp thêm động lực, góp phần quan trọng thôi thúc toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành lại độc lập tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân. Để rồi, chính bản thân Người cũng trở thành niềm tin chiến thắng cho toàn Đảng, toàn dân hôm nay và mai sau!
Tài liệu tham khảo: “Bút tích và toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. NXB Thuận Hóa. Huế 2007
PHẠM KIM QUANG - baolamdong.vn