Vị trí, chức năng và tổ chức của Thanh tra tỉnh từ 10/02/2024 In trang
25/01/2024 08:00 SA

Ngày 22/12/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 02/2023/TT-TTCP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh từ 10/02/2024

- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh) là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Tổ chức của Thanh tra tỉnh từ 10/02/2024

- Thanh tra tỉnh có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.

+ Chánh Thanh tra tỉnh là người đứng đầu cơ quan Thanh tra tỉnh, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh, của Chánh Thanh tra tỉnh và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ;

+ Phó Chánh Thanh tra tỉnh là người giúp Chánh Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ do Chánh Thanh tra tỉnh phân công, chịu trách nhiệm trước Chánh Thanh tra tỉnh và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Khi Chánh Thanh tra tỉnh vắng mặt, một Phó Chánh Thanh tra tỉnh được Chánh Thanh tra tỉnh ủy nhiệm thay Chánh Thanh tra tỉnh điều hành các hoạt động của Thanh tra tỉnh.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Phó Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật và đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh.

- Tổ chức của Thanh tra tỉnh:

Thanh tra tỉnh có văn phòng và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giám sát, thẩm định, xử lý sau thanh tra.

Việc thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Thanh tra tỉnh phải bảo đảm các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế của pháp luật về chính quyền địa phương, pháp luật về thanh tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh.

Xem chi tiết tại Thông tư 02/2023/TT-TTCP có hiệu lực từ ngày 10/02/2024 và thay thế Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-TTCP-BNV ngày 08/9/2014.

Lượt xem: 541
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007230553
  •  Đang online: 204
  •  Trong tuần: 34.131
  •  Trong tháng: 170.527
  •  Trong năm: 2.354.124