Ghi đậm dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới In trang
31/12/2020 02:52 CH

           Năm 2020 khép lại với những thành công lớn của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN 2020 và nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế trân trọng ghi nhận. Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò nước chủ nhà, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, giúp định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới nhiều biến động.

Liên hoan ẩm thực quốc tế trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam
Liên hoan ẩm thực quốc tế trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam

Năng động, sáng tạo cùng ASEAN “vượt bão”

           Theo hãng tin Sputnik (Nga), năm 2020 là một năm đặc biệt đối với Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nước nhà, Việt Nam vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Năm 2020 cũng là năm đầy thách thức đối với Việt Nam vì đại dịch Covid-19 chưa từng có tiền lệ, bùng phát và tàn phá như một cơn bão lớn để lại hậu quả nghiêm trọng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa toàn cầu thì không một chủ đề nào có thể phù hợp hơn với ASEAN như chủ đề Việt Nam lựa chọn cho năm 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Trải qua một năm đầy biến động, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn để chủ động ứng phó Covid-19.

           Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, chuỗi hoạt động quan trọng nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, hơn 80 văn kiện đã được thông qua - khối lượng sự kiện và văn kiện lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ hoạt động của ASEAN. Đây là hội nghị ghi đậm dấu ấn nước chủ nhà Việt Nam năng động, sáng tạo với nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 với 12 triệu USD đóng góp của các nước, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp đầu tiên của khu vực (trong đó Việt Nam đóng góp 5 triệu USD), thành lập Trung tâm khu vực ứng phó với các trường hợp y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, Khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp...

           Nhằm thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, dưới sự dẫn dắt của nước chủ nhà Việt Nam, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Khung phục hồi tổng thể của ASEAN, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN cùng Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia.

           Một thành tựu nổi bật của Năm chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam là việc ASEAN và các đối tác chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau tám năm đàm phán cam go, gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hiệp định RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn, giúp hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau dịch, góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025.

Với cương vị nước chủ nhà ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong khối, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, nơi khác biệt và tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Các nước ASEAN nhất trí cần nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, bảo đảm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

           Khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 thật ấn tượng với thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, Việt Nam được các nước thành viên hiệp hội và các đối tác đánh giá cao sự năng động, sáng tạo với các sáng kiến và vai trò kết nối của nước chủ nhà. Bộ trưởng Ngoại giao Lào X.Côm-ma-xít nhận định Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, hoàn thành tất cả các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và sự phát triển của ASEAN, giúp ASEAN đoàn kết và tiếp tục giữ được vai trò trung tâm của khối. Truyền thông nước ngoài cũng đánh giá Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Việt Nam trân trọng sự đoàn kết, ủng hộ, hỗ trợ quý báu từ các quốc gia thành viên, các đối tác và bạn bè của ASEAN để Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua thách thức, giữ vững đà liên kết, củng cố vai trò trung tâm, xây dựng khu vực Đông - Nam Á hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ổn định.

Nối những nhịp cầu hòa bình, đoàn kết

           Không chỉ đảm nhiệm rất thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đóng góp tích cực và hiệu quả trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, bao gồm những sáng kiến thiết thực đối với hòa bình và an ninh tại châu Phi, Trung Đông, Nam Á... Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (2020 - 2021), Việt Nam đã công bố bảy ưu tiên chính, trong đó có ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việt Nam đã chủ động đề xuất và được Đại hội đồng LHQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết thành lập Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27-12 hằng năm.

           Việt Nam cũng để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện là: Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của HĐBA về tuân thủ Hiến chương LHQ và Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN lần đầu tiên tại HĐBA. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 năm nay, Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng Nghị quyết về hợp tác ASEAN - LHQ với kỷ lục 110 nước đồng bảo trợ. Vai trò cầu nối giữa ASEAN và LHQ của Việt Nam được cộng đồng quốc tế trân trọng ghi nhận. Bộ trưởng Ngoại giao Mô-dăm-bích đánh giá Việt Nam đã đảm nhiệm rất thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như đóng góp một cách tích cực và hiệu quả trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, thúc đẩy những sáng kiến thiết thực đối với hòa bình và an ninh tại châu Phi.

           Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ cho biết Việt Nam đã rất nỗ lực để thực hiện một cách tối ưu lợi ích của đất nước tại diễn đàn toàn cầu; bảo vệ được lợi ích an ninh, sự phát triển của đất nước, nâng cao được vị thế và uy tín của Việt Nam và theo Đại sứ, đây cũng là nhận định chung của 193 nước thành viên LHQ. Cùng với các nước khác trong nhóm E10 (các nước Ủy viên không thường trực HĐBA), Việt Nam luôn cố gắng làm cầu nối giúp cho nhóm P5 (các nước Ủy viên thường trực HĐBA) vốn chia rẽ từ lâu, có thể hiểu nhau hơn và giảm thiểu những bế tắc, đình trệ tại HĐBA do sự bất đồng giữa những nước này. Trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải quyết nhiều vấn đề của E10 và ASEAN, nâng cao vai trò, hình ảnh của ASEAN trong HĐBA.

           Thành công của ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch đã khiến cho cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế. Do đó, các nước trên thế giới càng mong muốn có sự hợp tác với ASEAN như là một câu chuyện thành công trong hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, đồng thời cũng mong muốn ASEAN đóng vai trò lớn hơn nữa, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để xử lý những vấn đề phức tạp hiện nay. Hãng tin Sputnik nhận định, trong việc đóng hai vai quan trọng trong năm 2020, vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam luôn gắn kết chặt chẽ với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Trên cả hai cương vị này, lập trường của Việt Nam luôn giữ thái độ nhất quán, kiên định về nguyên tắc, nhưng hết sức mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp và ứng xử. Điều này góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động của LHQ, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

(theo Báo Nhân dân, Nguyễn Viết Liễu tổng hợp)

Lượt xem: 4.029
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007611599
  •  Đang online: 350
  •  Trong tuần: 10.360
  •  Trong tháng: 133.471
  •  Trong năm: 133.471