Rất nhiều nỗ lực để Đà Lạt nâng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) từ xếp hạng 9 trong năm 2018 lên dẫn đầu bảng xếp hạng trong 12 huyện, thành toàn tỉnh năm 2019 vừa qua.
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa UBND Phường 2 - Đà Lạt
Nỗ lực giải quyết hồ sơ
Là thành phố đông dân với lượng hồ sơ rất lớn hằng năm, trong năm 2019 Đà Lạt đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) phát sinh hằng ngày.
Giữa năm 2019, Đà Lạt đã kiện toàn lại nhân sự của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) tại Văn phòng UBND thành phố, tiếp tục duy trì lịch làm việc vào các buổi sáng thứ Bảy hàng tuần.
Bộ phận một cửa Đà Lạt hiện tiếp nhận và giải quyết 304/314 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố (10 thủ tục còn lại gồm 9 thủ tục trong lĩnh vực y tế thực hiện tại cơ sở khám, chữa bệnh thành phố và 1 thủ tục trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hạt Kiểm lâm Đà Lạt), đồng thời bố trí cán bộ để khảo sát, tiếp nhận ý kiến của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết TTHC và bố trí quầy phát phiếu hướng dẫn hồ sơ.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa, Đà Lạt còn tăng cường kiểm soát công tác giải quyết hồ sơ, có biện pháp xử lý đối với những trường hợp giải quyết TTHC chậm, trễ hạn. Với những trường hợp trễ hạn, các cơ quan, đơn vị phải báo cáo thành phố để có văn bản xin lỗi. Tính từ giữa tháng 6 đến cuối năm 2019, Đà Lạt đã có 574 văn bản xin lỗi các tổ chức, cá nhân vì chậm trễ giải quyết hồ sơ trong các lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường.
Với cấp xã, Đà Lạt cũng cho rà soát, kiện toàn lại bộ phận một cửa 16 phường, xã trực thuộc, đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết 146/146 TTHC đúng quy trình và thời gian quy định, trong đó có 28 TTHC lĩnh vực bảo trợ xã hội và người có công thực hiện liên thông cấp thành phố.
Trong năm 2019, toàn thành phố đã tiếp nhận tổng cộng 169.733 hồ sơ, giải quyết được 167.990 hồ sơ, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99%.
Cùng với nỗ lực giải quyết hồ sơ, Đà Lạt cũng duy trì tiếp dân định kỳ 3 lần trong tháng vào các ngày 5, 15 và 25 hàng tháng; tham gia tiếp dân với HĐND thành phố vào ngày 20 hàng tháng. Tổng cộng trong năm 2019, Đà Lạt đã tiếp 230 lượt công dân, với 52 thư khiếu nại, tố cáo (50 đơn khiếu nại, 2 đơn tố cáo), Đà Lạt đã giải quyết đúng hạn 36 đơn, số còn lại đang được giải quyết.
Đà Lạt cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn, các phường, xã rà soát TTHC, kịp thời niêm yết công khai tại bộ phận một cửa các cấp và trên cổng thông tin điện tử của thành phố.
Hiện đại hóa hành chính
Là địa phương dẫn đầu tỉnh trong hiện đại hóa hành chính, trong những năm gần đây Đà Lạt đã gắn việc xây dựng chính quyền điện tử với đề án xây dựng thành phố thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn và trong khối cơ quan nhà nước.
Bên cạnh sử dụng hiệu quả trang thông tin điện tử của thành phố phục vụ cho CCHC như lâu nay, Đà Lạt cũng tăng cường ứng dụng hệ thống văn phòng điện tử và hộp thư công vụ trong chỉ đạo điều hành công vụ. Đồng thời tiên phong trong việc khai thác ứng dụng Đà Lạt trực tuyến thông qua việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trên các lĩnh vực. Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 11/2019, đã có trên 6.800 lượt công dân, tổ chức sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực truyến, để đăng ký bốc số qua mạng. Thành phố cũng tiếp nhận 155 phản ánh, kiến nghị tại hiện trường về trật tự đô thị, xây dựng, giá cả thị trường, phần lớn trong số kiến nghị này đã được xử lý.
Trong giải quyết TTHC, Đà Lạt vận động người dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 qua mạng, đồng thời vận động người dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Trong năm 2019, Đà Lạt cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 43 TTHC mức độ 3 và 24 TTHC mức độ 4; hiện thành phố đang phối hợp với VNPT Lâm Đồng tiếp tục nâng cấp các TTHC lên mức độ 3, mức độ 4 trong năm nay.
Trong năm 2019, Đà Lạt cũng duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 đối với 304/304 quy trình TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và đang nỗ lực chuyển đổi việc áp dụng sang phiên bản mới ISO 9001:2015. Riêng trong năm 2019, toàn bộ 16 phường, xã trên địa bàn đã áp dụng phiên bản mới ISO 9001:2015 trong giải quyết TTHC.
Trách nhiệm người đứng đầu
Là đơn vị dẫn đầu về chỉ số CCHC của tỉnh trong năm 2019 (với 94,87 điểm, trong đó điểm tự chấm đã qua thẩm định 63,25 điểm, điểm điều tra xã hội học 31,62 điểm), nhưng Đà Lạt vẫn còn những vấn đề tồn tại cần phải có hướng giải quyết tốt hơn trong năm nay.
Như thành phố này đã chỉ ra, nhiều lĩnh vực “nóng” hồ sơ còn trễ hạn nhiều, chẳng hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu chỉ đạt tỉ lệ 95,6%; cấp phép TTHC xây dựng đạt tỉ lệ 52,6%; chưa đảm bảo mục tiêu thành phố đặt ra là phải đạt 98%.
Cùng đó, theo đánh giá, mối quan hệ phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường, xã trong giải quyết TTHC còn chưa tốt; một số thủ trưởng các phòng chuyên môn chưa quyết liệt trong việc xử lý CBCC thuộc quyền chậm xử lý văn bản chỉ đạo điều hành cũng như trễ hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC.
Tuy nhiên, phải nói rằng năm 2019 Đà Lạt đã có những nỗ lực rất lớn trong CCHC, đặc biệt là trong việc giải quyết TTHC, hạn chế đến mức thấp nhất số hồ sơ trễ hạn. Đây là lần đầu tiên thành phố này dẫn đầu từ khi có bảng xếp hạng chỉ số CCHC trong nhiều năm nay.
Trong năm nay, Đà Lạt vẫn xác định rõ trách nhiệm trong triển khai công tác CCHC thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Thành phố cho biết sẽ đẩy mạnh truyền thông CCHC bằng nhiều hình thức (tờ rơi, tờ gấp, phiếu hướng dẫn hồ sơ, chuyên mục hỏi đáp TTHC...); đẩy mạnh công tác kiểm soát và giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hệ thống đầu mối kiểm soát TTHC thành phố; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, công chức, viên chức trong giải quyết hồ sơ trễ hạn.
Đà Lạt cũng sẽ ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, trong tiếp nhận và giải quyết TTHC; khai thác hiệu quả hệ thống văn phòng điện tử, một cửa điện tử và ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; đẩy mạnh đối thoại, tiếp nhận thông tin của tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến giải quyết TTHC, về tác phong, thái độ giao tiếp của đội ngũ CBCCVC khi thi hành công vụ và các vụ việc về trật tự đô thị, môi trường, nhằm kịp thời xử lý các kiến nghị, phản ảnh và những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các quy định hành chính và trong giải quyết TTHC.
VIẾT TRỌNG