Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng trân trọng gửi các cơ quan báo chí bài tham luận của đồng chí Trần Đức Quận, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1.
Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng vinh dự được chọn là địa phương báo cáo tham luận tại Đại hội với chủ đề “Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh Lâm Đồng”. Qua thực tiễn của địa phương những năm vừa qua, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng rút ra một số vấn đề và báo cáo trước Đại hội một số nội dung cụ thể sau:
Nông nghiệp là lĩnh vực nhiều lợi thế, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu là giải pháp có ý nghĩa chiến lược quan trọng để nông nghiệp Lâm Đồng phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 11/11/2016 “Về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Những năm qua, nông nghiệp Lâm Đồng có bước phát triển vượt bậc về quy mô, năng suất, giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích và cả nguồn nhân lực (hiện giá trị sản xuất bình quân đạt 185 triệu đồng/ha/năm, tăng 27,5% so với năm 2016. Năng suất lao động trong nông nghiệp bằng 1,26 lần và giá trị sản phẩm trên 01 ha bằng 1,84 lần so với cả nước).
Là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và lực lượng sản xuất trong nông nghiệp phát triển mạnh với mô hình “doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể”.
Trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục được tỉnh ưu tiên quan tâm hàng đầu tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp tổ chức thực hiện. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy, nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã xuất hiện “nông dân thế hệ mới” dám nghĩ dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, bỏ vốn đầu tư, chủ động khai thác thị trường, liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị tham gia có hiệu quả vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp nhằm phát triển vùng nguyên liệu có chất lượng đồng đều, ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 165 chuỗi với sự tham gia của 197 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở và gần 17.000 hộ nông dân, giá trị sản xuất thông qua chuỗi chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
(Đến nay toàn tỉnh có 60.200 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích, hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 3.900 ha trải đều trên 12 huyện, thành phố trong toàn tỉnh; có 13 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đây là định hướng quan trọng mở ra cho nông sản của tỉnh tiếp cận các thị trường trong nước và tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu. Nông sản Lâm Đồng được xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới, trong đó, thị trường truyền thống là: khu vực Đông Bắc Á, khu vực Liên minh Châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Đặc biệt, nông sản xuất khẩu của Lâm Đồng hiện đang có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước Châu Âu, Mỹ; đồng thời, đang cung cấp nông sản nguyên liệu xuất khẩu cho nhiều tập đoàn đa quốc gia và các nhà phân phối lớn. Hiện nay giá trị xuất khẩu nông sản đang chiếm khoảng 53% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13%/năm.
Để nâng cao giá trị nông sản thì việc phát triển công nghiệp chế biến được tỉnh xác định là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, đóng góp cả về lợi ích kinh tế và xã hội; đã hình thành các trung tâm bảo quản, chế biến sau thu hoạch, các khu, cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Đến nay, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt 75%, ngành công nghiệp chế biến nông sản chiếm khoảng 47% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm 35% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước đang chiếm ưu thế trụ cột trong hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đóng góp bình quân khoảng 60% vào tổng giá trị xuất khẩu nông sản trực tiếp toàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng nhà máy, đồng thời xúc tiến hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ nông dân để hình thành các vùng nguyên liệu ổn định, xử lý sau thu hoạch tập trung, chế biến, phân phối và xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Về cơ bản, đến nay Lâm Đồng đã xây dựng được một nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt, đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thưa các đồng chí, thưa toàn thể Đại hội!
Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, trong đó có nông sản Lâm Đồng. Tuy nhiên, việc vượt qua các rào cản kỹ thuật, yêu cầu của các thị trường này sẽ là những thách thức không nhỏ. Trong giai đoạn tới, Lâm Đồng tập trung triển khai kiểm soát phát triển chất lượng nông sản và nông sản chế biến; lấy thị trường làm trọng tâm để tổ chức sản xuất, thiết kế và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới. Tiếp tục quảng bá và phát triển thương hiệu; gắn kết nông nghiệp, công nghiệp chế biến với xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu là một chủ trương xuyên suốt giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Với mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện và hiện đại, xây dựng tỉnh Lâm Đồng thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp là một trong 4 khâu đột phá, trong đó tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ sản xuất, mở đường cho sản xuất phát triển, đặc biệt là tạo sự hợp tác và liên kết sâu rộng trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung tổ chức lại các mô hình hợp tác một cách phù hợp, hiệu quả để tạo sự liên kết từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra động lực mới. Trên cơ sở đó, Đảng bộ tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; trên cơ sở phát huy tốt các nguồn lực về khí hậu, thổ nhưỡng, con người, kinh nghiệm trong phát triển những năm qua. Từ đó tỉnh xác định tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và hữu cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đổi mới quan hệ sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững, với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; nông dân là chủ thể”. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nông nghiệp; mời gọi các nhà khoa học tham gia đánh giá các mô hình thực tiễn và định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, quy hoạch và mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao với tất cả các loại cây trồng, vật nuôi; tổng kết, đánh giá các mô hình xen canh, tái canh để tiếp tục phát huy các mô hình hiệu quả. Xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Quy hoạch phát triển mạnh vùng trồng cây dược liệu và phát triển ngành công nghiệp chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng bằng nguyên liệu tại chỗ phù hợp với điều kiện từng vùng. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống nhà kính, nhà lưới hạn chế ảnh hưởng cảnh quan, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Thứ ba, xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hợp tác xã; hình thành hệ thống phân phối, chế biến và tiêu thụ nông sản; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và phát triển công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến nông sản. Có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích các đối tượng, nhất là “nông dân thế hệ mới” xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, từ đó nhân rộng mô hình trong Nhân dân.
Thứ tư, gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với chương trình xây dựng nông thôn mới, (đây là kinh nghiệm mà tỉnh Lâm Đồng triển khai rất hiệu quả thời gian qua, góp phần đáng kể trong nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho người nông dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới). Trong đó, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người nông dân tự nguyện tham gia sáng lập các mô hình kinh tế tập thể trong tổ chức xây dựng nông thôn mới tạo hiệu quả nổi trội. Đặc biệt, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn bình yên, có bản sắc và đặc trưng của từng vùng, phát triển du lịch ở nông thôn và du lịch canh nông.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển dịch vụ logicstic nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, các dịch vụ trọn gói (đóng gói, lưu kho, thực hiện các thủ tục hải quan, vận chuyển, giao hàng,…). Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, xây dựng chiến lược xuất khẩu nông sản trong đó xác định từng loại thị trường, định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chủ động đáp ứng về tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục phát triển thương hiệu nông sản với nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trở thành thương hiệu mạnh của cả nước; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp quả bá thương hiệu, xây dựng và bảo hộ thương hiệu nông sản. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác với các kênh phân phối bán lẻ trong và ngoài nước bằng nhiều phương thức phù hợp để đưa nông sản Lâm Đồng tham gia vào các thị trường chiến lược.
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản Lâm Đồng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng mà còn cần sự hỗ trợ rất lớn của các ban, bộ, ngành Trung ương. Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Trung ương, Chính phủ, các ban, bộ ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh trong việc phát triển hệ thống logistic. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và mở thêm các đường bay quốc tế đi và đến Cảng hàng không Liên Khương Đà Lạt nhằm giảm chi phí vận chuyển trong tổng chi phí sản xuất góp phần tăng sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trên đây là tham luận của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Trung tâm Báo chí Đại hội XIII