ĐBQH Lâm Đồng tham gia thảo luận về dự án Luật Cảnh sát cơ động In trang
26/10/2021 05:01 CH

 Sáng 26/10, tiếp tục chương trình hoạt động kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

ĐBQH Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý Luật Cảnh sát cơ động
ĐBQH Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý Luật Cảnh sát cơ động

Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh và đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh, lực lượng cảnh sát cơ động, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật, đại diện Trường Chính trị tỉnh.

Tham gia góp ý trực tuyến dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, ĐBQH Trần Đình Văn – Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý: Về cơ bản, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nội dung dự thảo cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập sau 8 năm thi hành Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa đầy đủ, cụ thể, tôi góp ý 3 nội dung như sau:

Thứ nhất, việc xác định cảnh sát cơ động là “lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự xã hội” cần được rà soát kỹ, một mặt bảo đảm phản ánh đúng vị trí, chức năng đặc thù của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an Nhân dân, mặt khác, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự xã hội, như:  Dự thảo Luật chỉ quy định cảnh sát cơ động “là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an Nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” mà không nhắc tới nhóm đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là chưa tương thích với Luật Công an Nhân dân. 

Các đại biểu tham dự phiên góp ý dự án Luật Cảnh sát cơ động tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự phiên góp ý dự án Luật Cảnh sát cơ động tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng

Mặt khác, quy định như dự thảo Luật chưa thấy rõ vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động khác với các lực lượng khác của Công an Nhân dân nói chung ở điểm nào. Do vậy, cần làm rõ và sâu sắc hơn tính “vũ trang”, tính “cơ động”, yêu cầu tác chiến nhanh, xử lý những tình huống khẩn cấp của lực lượng cảnh sát cơ động trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đó mới chính là điểm khác biệt căn bản khi so sánh với các thành phần khác.

Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động cảnh sát cơ động: Các quy định trong dự thảo Luật cần được rà soát kỹ bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động cần được cân nhắc và quy định cụ thể, chặt chẽ về quyền hạn, trách nhiệm, thủ tục, trình tự thực hiện quyền, trách nhiệm pháp lý của từng chủ thể khi vượt quá giới hạn công vụ. Nếu không quy định chặt chẽ sẽ có nguy cơ lạm quyền, vi phạm quyền con người, quyền công dân như:  Việc quy định nội dung vũ trang cho cảnh sát cơ động“giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình trái pháp luật” (điểm c khoản 2 Điều 9) cần quy định chi tiết hơn về các trường hợp và các mức độ trang bị vũ khí cho cảnh sát cơ động. Bởi lẽ, việc tập trung đông người và biểu tình, thường là những hoạt động đông người tham gia và thường diễn ra nơi công cộng. Việc trang bị, sử dụng vũ khí không phù hợp, dễ đưa đến tình trạng người dân hoang mang và dễ bị kích động theo tâm lý đám đông, rơi vào tình trạng bạo loạn. Vì vậy, nên có quy định chi tiết các mức độ trang bị vũ khí cho các trường hợp trên ngay trong luật, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho chiến sĩ cảnh sát cơ động thi hành nhiệm vụ trong trường hợp này.

Theo khoản 5, Điều 10 quy định cảnh sát cơ động có quyền “Huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp cấp bách theo quy định tại Điều 17 của Luật này và pháp luật có liên quan”. Đây là nội dung liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mà trực tiếp là quyền sở hữu về tài sản của người dân. Mặc dù, nội dung Điều khoản này dẫn chiếu đến Điều 17 dự Luật, quy định chi tiết các trường hợp, thẩm quyền của chủ thể cho phép huy động phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân, cũng như các trường hợp người, tài sản bị huy động làm nhiệm vụ thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách đền bù. Tuy nhiên, vẫn còn một trường hợp nên quy định bổ sung thêm để tránh tình trạng lúng túng khi áp dụng trên thực tiễn, đó là, đặt ra nguyên tắc huy động tài sản: Những loại tài sản nào được phép huy động, huy động ở mức độ nào? Trong trường hợp nếu tình hình chưa đến mức cấp bách mà cán bộ, chiến sĩ huy động tài sản của người dân và gây thiệt hại thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Để tránh tình trạng lợi dụng việc thi hành công vụ mà gây tổn hại đến tài sản của người dân.

Thứ ba, về vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động quy định tại Điều 3, chức năng chung của Công an Nhân dân là “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” (Điều 3 Luật Công an Nhân dân). Do vậy, việc dự thảo Luật chỉ quy định cảnh sát cơ động “là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an Nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” mà không nhắc tới nhóm đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là chưa tương thích với Luật Công an Nhân dân. Mặt khác, quy định như dự thảo Luật chưa thấy rõ vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động khác với các lực lượng khác của Công an Nhân dân nói chung ở điểm nào. Do vậy, cần làm rõ và sâu sắc hơn tính “vũ trang” của lực lượng cảnh sát cơ động. Đó mới chính là điểm khác biệt căn bản khi so sánh với các thành phần khác. Có thể thể hiện rõ hơn như sau: “Cảnh sát cơ động là lực lượng của Công an Nhân dân Việt Nam, đóng vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân chuyên trách, nòng cốt thực hiện các biện pháp vũ trang chuyên nghiệp/đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”…

ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia phát biểu tranh luận tại kỳ họp
ĐBQH Nguyễn Tạo tham gia phát biểu tranh luận tại kỳ họp

Phát biểu tranh luận liên quan dự thảo Luật Cảnh sát cơ động về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, ĐBQH Nguyễn Tạo cho rằng: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân là nòng cốt” và xác định “Xây dựng Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Chính vì vậy, dự thảo Luật cần xác định rõ cảnh sát cơ động là lực lượng “nồng cốt”, “chuyên trách” hay “đặc thù”, một mặt bảo đảm phản ánh đúng vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an Nhân dân, mặt khác, không chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của lực lượng vũ trang (quân đội, công an). 

Về giải thích từ ngữ, cần giải thích rõ các khái niệm “bạo loạn”, “khủng bố”, “biểu tình bất hợp pháp”, “khi nào được phép sử dụng biện pháp vũ trang”, “khi nào được phép sử dụng hành vi trấn áp” để đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Về khái niệm “địa bàn trọng điểm” phải được quy định cụ thể ở địa bàn nào để có sự tính toán phân bổ cụ thể, tránh trường hợp dàn trải lực lượng và để trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp như: Trực thăng, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hóa học… Về quyền hạn của cảnh sát cơ động tại khoản 3 Điều 11, quản lý thiết bị bay không người lái thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, vì vậy, nếu quy định thì cần cân nhắc cho phù hợp với các quy định của Luật Quốc phòng và các nghị định hướng dẫn có liên quan. Trong dự án Luật chưa làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng vũ trang với nhau, giữa lực lượng cảnh sát cơ động với các lực lượng chính quy trong Quân đội Nhân dân trong các trường hợp đặc biệt để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhân dân trong những sự kiện chính trị quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Công an đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

NGUYỆT THU

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 2.155
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007613351
  •  Đang online: 602
  •  Trong tuần: 12.112
  •  Trong tháng: 135.223
  •  Trong năm: 135.223