Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định là động lực cho tăng trưởng.
ĐBQH Nguyễn Tạo cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch (năm 2017), Nghị định 37 (ngày 7.5.2019) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch thì trong hệ thống quy hoạch, trước tiên phải tập trung cho việc quy hoạch tổng thể quốc gia, sau đó mới quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và sau đó đến quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai theo Luật Quy hoạch rất chậm, gây khó khăn trong việc kết hợp các quy hoạch chung như quy hoạch đất đai thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch rừng… Đề nghị Chính phủ cần sớm có quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng gắn với khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như phát triển các ngành, vùng và địa phương trong thời gian tới.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu Ảnh: Quang Khánh
Về cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo, đại biểu cho rằng, để bảo đảm chủ động cho Chính phủ có nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhân dân phục hồi sản xuất, đặc biệt là nguồn lực cho việc tăng cường nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho ngành y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở vốn đã yếu và thiếu sau đại dịch, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, điều tiết kịp thời đối với các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không có hiệu quả; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước thông qua các nguồn thu còn dư địa và từ thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là những địa phương có thị trường thương mại, dịch vụ bất động sản sôi động, có tăng trưởng.
Ngoài ra, cần chú ý đến giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính vì thực tế các thủ tục hành chính hiện nay còn quá nhiêu khê, làm nản lòng các nhà đầu tư hoặc có vốn nhưng phải chờ công trình được phê duyệt. Đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, liên kết khu vực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý và sử dụng tài sản công, đại biểu cho rằng, đây là nguồn lực còn bỏ ngỏ, chưa được khơi dậy và phát huy hiệu quả một cách toàn diện, đầy đủ, còn lãng phí rất lớn và phát sinh nhiều tiêu cực trong thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ cần có các chế định đủ mạnh, cương quyết để thống kê, quản lý một cách chặt chẽ về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng. Mặc dù đây là nguồn lực lớn, nhưng số thu còn rất hạn chế, tránh tình trạng sử dụng sai mục đích...
Đức Hiệp
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/