Chuyển biến từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII In trang
21/01/2022 04:13 CH

Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được ban hành, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong tiến hành công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau 5 năm (2016-2021) triển khai thực hiện, NQTƯ 4 thực sự là chiếc gương soi để những vấn đề còn tồn tại được khắc phục, dần tạo nên dấu ấn của sự chuyển mình trong cả nước nói chung, Lâm Đồng nói riêng.

Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra thực tế và làm việc trực tiếp ở cơ sở đã tạo nên nhiều hiệu quả trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ
Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra thực tế và làm việc trực tiếp ở cơ sở đã tạo nên nhiều hiệu quả trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ

Lâm Đồng hiện có 766 tổ chức cơ sở đảng với 47.151 đảng viên. Để cụ thể hóa NQTƯ4, bên cạnh việc ban hành Chương trình hành động cụ thể và triển khai trong toàn Đảng bộ, Thường trực Tỉnh ủy còn thường xuyên chỉ đạo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời phát hiện, chỉ đạo, xử lý những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, hoặc đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy bố trí đi kiểm tra thực tế và làm việc trực tiếp ở cơ sở; hàng tháng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa bàn cũng sắp xếp dự họp Ban Thường vụ và theo dõi, nắm các hoạt động của cấp ủy cấp huyện.

 Trên cơ sở thực hiện các nội dung Nghị quyết, các cấp ủy thường xuyên soi rọi, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cấp ủy, cơ quan, đơn vị để phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý kịp thời.

 Việc chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm được thực hiện nghiêm túc, tập trung vào trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao và những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm thuộc các lĩnh vực: Quản lý, bảo vệ rừng; khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn; công tác cán bộ; công tác quản lý nguồn vốn và chất lượng công trình dự án đầu tư...

 5 năm qua, việc nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn với những biểu hiện suy thoái được thực hiện nghiêm túc. Theo đó, đã phát hiện 415 trường hợp có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và 148 trường hợp có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

 Công tác xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp được thực hiện đảm bảo phương châm, nguyên tắc, thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định; vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, xóa bỏ tư tưởng “trên nhẹ, dưới nặng”; đảm bảo tính dân chủ, công tâm, khách quan, coi trọng yếu tố giáo dục, xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, niềm tin của Nhân dân.

 Công tác cán bộ ngày càng được quan tâm, nhất là trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ; từng bước phát huy tính tiền phong, gương mẫu, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm thực hiện, củng cố, kiện toàn… Việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên hằng năm; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng… được thực hiện nghiêm túc. Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được quan tâm, từng bước có nội dung, cách làm tương đối phù hợp. Công tác tiếp dân, đối thoại với Nhân dân tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân được thực hiện thường xuyên.

 Qua 5 năm thực hiện NQTƯ4, đã có những mô hình hay, bám sát thực tiễn được thực hiện. Đơn cử như, mô hình vận động Nhân dân “Không rải vàng mã, hoa tươi, tiền thật, không để quá thời gian quy định trong việc tang” của Mặt trận Tổ quốc các cấp; “chào cờ đầu tuần”; “ngày Chủ nhật vì môi trường” của huyện; “nuôi bò thịt”; “tuyến đường hoa cỏ lạc, luống rau sạch”; “cán bộ, nhân viên y tế nói lời cảm ơn bệnh nhân” ở huyện Đạ Huoai. Mô hình tiếp công dân ở cơ quan huyện và tất cả các xã, thị trấn vào thứ Ba hàng tuần, để qua đó tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm của Nhân dân; chỉ đạo thực hiện việc lấy ý kiến góp ý của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên vào dịp cuối năm; quyết liệt chỉ đạo tiết kiệm trong việc cưới, việc tang của huyện Lâm Hà. Mô hình hàng tháng phân công các ban Đảng trực tiếp dự sinh hoạt các chi bộ ở thôn, tổ dân phố; một số nơi tổ chức chào cờ tuần đầu tiên hàng tháng theo hình thức phát thanh trực tiếp trong toàn xã (thị trấn Phước Cát); mô hình “Mọi người cùng làm theo Bác” của Chi bộ thôn Cao Sinh, xã Gia Viễn của Huyện ủy Cát Tiên. Huyện ủy Đam Rông triển khai “mô hình đột phá”, cứ mỗi tháng một lần, đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện cùng với cán bộ xã xuống tận cơ sở để giải quyết trực tiếp những vấn đề phát sinh…

 Bên cạnh những dấu ấn của sự chuyển mình, NQTƯ 4, khóa XII cũng đã soi rọi những bất cập còn tồn tại như việc kiểm điểm theo Nghị quyết ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa sâu sát với tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, có nơi kiểm điểm còn nể nang, ngại va chạm; các giải pháp sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm còn chung chung, tính khả thi chưa cao. Vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lúc, có việc chưa cao. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có người đứng đầu thiếu tiên phong, gương mẫu. Chuyển biến về nội dung, hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ nhìn chung còn chậm và chưa đồng đều giữa các địa phương, giữa các đảng bộ và giữa các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Công tác kiểm tra, giám sát có lúc chưa thường xuyên, chưa có trọng tâm, trọng điểm, nội dung kiểm tra chưa sâu, chưa kỹ; việc khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm của một số cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên sau kiểm tra, giám sát chưa đạt hiệu quả cao; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa thật sự vững chắc...

 Có thể nói, 5 năm qua, NQTƯ 4, khóa XII như một “cú huých” để cả hệ thống chuyển động mạnh mẽ hơn trong công tác xây dựng Đảng. Dấu ấn của sự chuyển mình đã được nhìn thấy và biểu hiện của những tồn tại, hạn chế vẫn còn. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã xác định những nhiệm vụ tiếp theo để việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết mạnh mẽ, quyết liệt hơn, tạo thành phong trào toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng Đảng.

Theo Báo Lâm Đồng

Lượt xem: 4.140
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007613790
  •  Đang online: 164
  •  Trong tuần: 12.551
  •  Trong tháng: 135.662
  •  Trong năm: 135.662