Để có cán bộ tốt cho Lâm Đồng phát triển In trang
18/06/2024 02:06 CH

Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp phó các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đồng chí Trưởng phòng cấp tỉnh vào cuối tháng 5/2024, đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học đã đặt ra câu hỏi: “Phải làm gì để có cán bộ tốt cho tỉnh Lâm Đồng phát triển?”. Câu hỏi mở và chủ đề cũng mở để lãnh đạo tỉnh thành tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ này về công tác cán bộ của tỉnh.

Quang cảnh buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp phó các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh vào ngày 31/5. Ảnh: Chính Thành
Quang cảnh buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp phó các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh vào ngày 31/5. Ảnh: Chính Thành

Câu hỏi đặt ra không chỉ là chủ đề cho buổi gặp mặt, mà đó chính là sự trăn trở, lo lắng cho tỉnh nói chung trong tình hình Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Sự lo lắng và trăn trở của lãnh đạo tỉnh xuất phát từ 2 lí do. Thứ nhất, trong 5 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng chậm (2,97%), sản xuất, kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có dấu hiệu chững lại, thu ngân sách nhà nước không đạt yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công rất chậm (12,8% kế hoạch), nhiều dự án, công trình trọng điểm của địa phương chậm tiến độ. Thứ hai, theo đánh giá của Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: “Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ còn những hạn chế, khuyết điểm, như: Năng lực công tác chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm; một số cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí, làm việc thiếu trách nhiệm, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đặc biệt một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, làm giảm sút niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân”.

Cán bộ tốt là cán bộ như thế nào? Có nhiều tiêu chí để đánh giá một cán bộ là tốt, tập trung thể hiện trên 3 tiêu chí chính, đó là: Tốt về Phẩm cách đạo đức, hiểu theo nghĩa chung nhất là sự trong sáng, trung thực, tận tụy, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung, khiêm nhường, cầu thị, có tinh thần đoàn kết, thương yêu Nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp. Tốt về Phẩm chất chính trị thể hiện ở lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, lợi ích của Nhân dân, quốc gia, dân tộc, tin tưởng vào mục tiêu, đường lối đổi mới của Đảng; đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Tốt về Năng lực chuyên môn, được thể hiện qua trình độ, vốn hiểu biết, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng tư duy sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong thực tiễn, làm chủ được tri thức khoa học và có hiểu biết sâu, rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình.

Quay trở lại câu hỏi: Phải làm gì để có cán bộ tốt cho Lâm Đồng phát triển?, thiết nghĩ cần quan tâm một số vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất là, thực hiện tốt quy trình: Phát hiện - Đào tạo, bồi dưỡng - Sử dụng - Đánh giá cán bộ. Phát hiện là công việc của tổ chức và phát hiện của cá nhân các đồng chí lãnh đạo, hiệu quả nhất là phát hiện qua quá trình rèn luyện, công tác thực tiễn của cán bộ. Phát hiện phải bằng sự công tâm, minh bạch, không xen lẫn tình cảm cá nhân, “yêu-ghét” trong công tác cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chú trọng chất lượng, hiệu quả theo hướng “Thực học-Thực hành”, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với lý luận chính trị. Bố trí, sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường công tác, “giao đúng người, đúng việc”. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, đánh giá đa chiều, liên tục và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, gắn với kết quả công tác của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị; kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ thiếu quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tín nhiệm thấp, “dĩ hòa vi quý”, “kéo bè kéo cánh” gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm, nhưng chưa đến mức bị kỷ luật; có dư luận cán bộ, đảng viên và đơn, thư phản ánh tiêu cực mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Thứ hai là, mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị được giao có ý thức tích cực tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, không dao động trước khó khăn, kiên định với mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng và dân tộc; đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết, trước hết; có tinh thần cầu tiến bộ, ham học hỏi nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp; không bảo thủ, gia trưởng, luôn lắng nghe ý kiến tham mưu, phê bình, góp ý của quần chúng nhân dân. Tinh thần, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ cần thường trực sự đổi mới sáng tạo, quyết đoán, bứt phá; đặc biệt, phải vượt qua được trạng thái tâm lý “sợ làm sai”, “sợ bị xử lý trách nhiệm”, “sợ bị gánh hậu quả”, nhất là cán bộ giữ trọng trách ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ ba là, các quy định của Đảng về quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên thì nhiều, chung quy lại vẫn cần tập trung triển khai thực hiện tốt Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; trọng tâm là thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” trong thực thi công vụ. Việc triển khai thực hiện phải hiệu quả, tránh hình thức, chiếu lệ, qua loa, đại khái.

Thứ tư là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm theo đúng Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022, của Bộ Chính trị, “Về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”. Tăng cường thanh tra công vụ và kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 5/9/2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp”, Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc” và các văn bản liên quan. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân thông qua cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong việc thực hiện quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về kỷ luật, kỷ cương hành chính, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ năm là, cụ thể hóa chủ trương, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, không chỉ là trên giấy tờ, quy định của Đảng, Nhà nước mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, nhằm giải quyết “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong cơ chế, chính sách trong phạm vi của tỉnh, cần tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định, nhưng chưa hiệu quả, không còn phù hợp trên tất cả lĩnh vực, như công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Khuyến khích cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, quyết đoán trong hành động; dám đi đầu, đổi mới loại bỏ cái cũ lạc hậu; tháo gỡ, khơi thông “điểm nghẽn” để bứt phá, giải quyết “nút thắt”, vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn; tạo được chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương khuyến khích cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, cách làm đột phá thành các quy chế, quy định và các văn bản khác, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị, tạo cơ sở pháp lý để động viên, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trước hết, nghiên cứu, bổ sung, cập nhật nội dung khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung vào trong quy chế làm việc của cấp ủy, chính quyền để thống nhất chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Khuyến khích cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tổ chức thí điểm một số mô hình, cơ chế, nhất là tổ chức thí điểm giao và thực hiện việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ theo thẩm quyền; trước mắt, tập trung vào những việc mới, việc khó, bức xúc tại địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác. Cách làm của một số đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội trong thực hiện nội dung này rất đáng để Lâm Đồng học tập, đó là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ quận, bí thư các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội quận, trưởng các phòng, ban, ngành thuộc quận đăng ký đảm nhận chỉ đạo giải quyết hiệu quả 2 đến 3 nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao năm hàng năm để Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, đánh giá.

Tại buổi gặp mặt nói trên, đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định “Cam kết không để bất kỳ cán bộ nào vì năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung mà bị xử lý kỷ luật”. Cam kết chính trị này của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh là sự động viên, khích lệ rất lớn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới với tinh thần “Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung. Làm hết trách nhiệm và làm mang lại hiệu quả cao nhất”.

Vấn đề cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Khi thấy rõ phẩm chất, năng lực của cán bộ, thì phải tin tưởng và giao việc cho họ, bởi vì: “Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí”. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị nên đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ của mình, tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh với năng lực, trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo để gánh vác được nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, chuẩn bị tốt cho chặng đường phía trước với nhiều thách thức, khó khăn; xây dựng đội ngũ cán bộ tốt cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Trung Hiếu

(LĐ online)

Lượt xem: 820
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007613050
  •  Đang online: 408
  •  Trong tuần: 11.811
  •  Trong tháng: 134.922
  •  Trong năm: 134.922