Khi những bức xúc của người dân được đại biểu dân cử quan tâm In trang
11/03/2019 12:00 SA

Ðể phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, việc lắng nghe, quan tâm giải quyết những bức xúc, kiến nghị của Nhân dân về những vấn đề “nóng” trong đời sống xã hội đã được HÐND, đại biểu dân cử lắng nghe và kiến nghị kịp thời. Từ đó, rất nhiều vấn đề đã được Quốc hội, chính phủ, chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết. 

Các đại biểu đại diện HĐND các tỉnh, thành Đông Nam Bộ nêu ý kiến và kinh nghiệm trong giải quyết bức xúc của người dân. Ảnh: N.Thu
Các đại biểu đại diện HĐND các tỉnh, thành Đông Nam Bộ nêu ý kiến và kinh nghiệm trong giải quyết bức xúc của người dân. Ảnh: N.Thu

Tại thành phố Hồ Chí Minh, với chức năng là một đô thị đặc biệt, có quy mô dân số lớn với gần 10 triệu dân, vấn đề quy hoạch đô thị luôn được người dân quan tâm, bức xúc, phản ánh, kiến nghị HĐND các cấp. Trong đó, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố là vấn đề được HĐND thành phố xác định phải tăng cường giám sát, thực hiện bởi khi bị giải tỏa, bồi thường để thực hiện dự án, người dân không thể xây dựng, sửa chữa nhà, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... do vướng quy hoạch. Tại Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ mới đây tại Đà Lạt, ông Trương Trung Kiên - Trưởng Ban Đô thị - HĐND thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Để tham gia giải quyết những vấn đề này, HĐND thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình giám sát, khảo sát và kiểm tra, ban hành Nghị quyết số 16 năm 2012 với những nội dung sát thực tiễn nhằm giải quyết những bức xúc của người dân như: rà soát các chính sách và những quy định hiện hành để tổng hợp những vấn đề chưa phù hợp, gây khó khăn cho người dân sau tái định cư, từ đó xem xét điều chỉnh cho phù hợp và sát thực tiễn, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của người dân khi bị thu hồi đất và của cả nhà đầu tư. Tổ chức điều tra xã hội học về cuộc sống của người dân sau tái định cư để có những chính sách phù hợp, ổn định, cải thiện đời sống người dân. Thực hiện công khai minh bạch các quy trình, quy chế quản lý các thủ tục hành chính trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị nhằm thực hành dân chủ và nâng cao tính khả thi của quy hoạch. Đặc biệt, HĐND thành phố quan tâm đến công tác rà soát, đánh giá hiệu quả, tính khả thi và năng lực của nhà đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch của từng dự án có sử dụng đất để xử lý giải quyết dứt điểm tình trạng dự án treo.

Còn tỉnh Đồng Nai nổi bật với công tác giải quyết kiến nghị của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường. Đồng Nai là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với cơ cấu ngày càng chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỉnh có ngành chăn nuôi quy mô lớn so với cả nước, theo đó nếu không được xử lý nghiêm túc lượng chất thải lớn trong chăn nuôi thì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là bức xúc của người dân Đồng Nai kiến nghị HĐND tỉnh về tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước giếng sinh hoạt, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ngay khi tiến hành giám sát, HĐND tỉnh Đồng Nai đã nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng, nếu không giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự, trong khi đó các nội dung về quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi hầu như chưa có quy định cụ thể, chỉ là lồng ghép tại các quy định chung. Qua giám sát, đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị chính quyền địa phương tổ chức rà soát trang trại, hộ nuôi heo nằm trong khu vực ô nhiễm môi trường để tổ chức đối thoại, xây dựng phương án di dời vào vùng khuyến khích phát triển tập trung. Kiến nghị ngành Tài nguyên môi trường công khai cơ sở vi phạm để cộng đồng cùng giám sát. Thông qua trực tiếp chất vấn của đại biểu HĐND với Giám đốc Sở Tài Nguyên môi trường, sau kỳ họp, sau chất vấn cho thấy đã có sự chuyển biến, bước đầu cơ bản khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra, ông Lại Thế Thông - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết.

Nổi lên trong giải quyết bức xúc của người dân liên quan đến đất đai là vấn đề xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, trong đó có tình trạng khiếu kiện đông người tập trung tại Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ yếu do người dân bức xúc về vấn đề các dự án thu hồi đất chậm triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân. Đồng thời, người dân kiến nghị tình trạng sử dụng đất công bất hợp lý gây lãng phí, đền bù giải phóng mặt bằng với giá bồi thường thấp, không đảm bảo yêu cầu ổn định cuộc sống người dân... Vấn đề này đã được đại diện HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu lên bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều địa phương tại hội nghị ở Đà Lạt. Đó là để giải quyết bức xúc của người dân cần tăng cường làm tốt công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong thực hiện cơ chế chính sách của Nhà nước về đất đai. Đặc biệt, chú trọng tuân thủ pháp luật, làm theo đúng quy trình, thời hạn bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất làm dự án, cần niêm yết lấy ý kiến Nhân dân đối với các chính sách hỗ trợ, phê duyệt kinh phí bồi thường. Liên quan đến giải quyết bức xúc của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng K’Mak cũng cho rằng: Việc lựa chọn, giám sát đối với các công trình, dự án mà Nhân dân quan tâm, dư luận bức xúc có nhiều kiến nghị để thực hiện giám sát và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chú trọng vận động, thuyết phục Nhân dân hiểu biết rõ pháp luật để chấp hành đúng, nghiêm. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng tập trung giám sát theo kết quả trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan thông báo trả lời kết quả giải quyết những kiến nghị của cử tri.

Ghi nhận và phát biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Qua các tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu cho thấy, việc HĐND cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ đã phấn đấu làm tròn chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nhân dân ngày càng đặt niềm tin vào cơ quan dân cử. Hoạt động giám sát của HĐND có những ý kiến phản biện xác đáng như ở TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng. Với vai trò là cơ quan dân cử, điều hạnh phúc nhất là được dân tin, HĐND cần bám sát đặc điểm, điều kiện đặc thù, đi sâu, đi sát, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định để khi thực hiện bảo đảm tính thời điểm, tính khả thi trong việc giải quyết các vấn đề. Cần lắng nghe, kịp thời giải quyết sai phạm không để kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân. Các chủ trương, chính sách của HĐND khi ban hành phải đúng và trúng vấn đề đã được cử tri và Nhân dân quan tâm, để từ đó phát huy được hiệu quả.

baolamdong.vn 

Lượt xem: 2.363

Góp ý của bạn đọc

CAPTCHA image
Enter the code shown above in the box below.
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007470853
  •  Đang online: 152
  •  Trong tuần: 152
  •  Trong tháng: 169.191
  •  Trong năm: 2.594.424