Vui buồn với hoa bên chân núi Bà In trang
15/04/2020 11:12 SA

Năm năm trước, tham gia chuyến công tác của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, ông Phạm Triều - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, nay là Bí thư Huyện ủy, chia sẻ với tôi: “Anh xem, bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giờ đã tích cực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đời sống của bà con được cải thiện rất rõ”. Nhưng nay họ cũng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như mọi nhà nông trồng trọt trên thế giới. Với sản xuất hoa thì càng lao đao.  

Hình 1
Hình 1

Hoa lên ngôi 
 
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lạc Dương cho tôi hay kế hoạch năm 2020 của huyện. Quả thực đó là những số liệu rau và hoa ấn tượng về sự tăng trưởng. Rau tăng 2.236 ha so với 5 năm trước; tăng 354 ha so với năm 2019. Riêng vụ Đông - Xuân này, kế hoạch sản lượng khoảng 72.870 tấn. Hoa chủ lực là hồng và cúc, ngoài ra còn có salem, cẩm tú cầu, lily, cẩm chướng,... Năm 2020, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng 1.445 ha, tăng 765 ha so với năm 2015 và tăng 155 ha so với năm 2019. Trong vụ Đông - Xuân 2020, diện tích thu hoạch 504 ha, tăng 60 ha so cùng kỳ; năng suất ước đạt 395.000 cành; sản lượng ước đạt 199.000 cành, tăng 23.700 cành so với kỳ Đông-Xuân 2019.   
 
Theo Trưởng Phòng NN&PTNT Hoàng Xuân Hải, toàn huyện hiện có 800 ha rau và hoa được sản xuất trong nhà kính, tăng 570 ha so với 5 năm trước. Tín hiệu vui từ đầu năm cho thấy, giá trị sản xuất bình quân năm 2020 ước đạt 290 triệu đồng/ha, tăng 110 triệu đồng so với năm 2015. Tổng sản lượng hoa ước đạt 525.000 cành, tăng 57.550 cành so với năm 2019. Có cơ sở để nói, kết thúc một nhiệm kỳ, lĩnh vực sản xuất hoa góp phần quan trọng để vươn tới những “chỉ tiêu son” của một huyện có tỉ lệ DTTS gần 70%. Thực tế đã kiểm chứng trên vùng đất có độ cao trên 1.500 mét này: doanh thu sản xuất trong nhà kính, nhà lưới đối với hoa đạt khoảng 800 triệu đồng/ha/năm (có diện tích lên đến 2 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa lily). Mấy năm nay, nhà nông DTTS Lạc Dương một mặt nỗ lực nội tại, mặt khác nhờ hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư ban đầu từ Nhà nước, đến nay đã có 520 hộ dân chuyển đổi 166,47 ha cà phê già cỗi sang sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, khoảng hơn 20 ha trồng hoa, tập trung nhiều nhất ở thị trấn, số còn lại rải rác tại các xã như xã Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim...  
 
Rớt giá điêu đứng 
    
Những ngày qua, ở Việt Nam, rau, củ, quả giảm giá gần một nửa so với trước khi có dịch COVID-19. Ngành hoa thì rơi vào tình hình thê thảm. Khi cả nước ngưng đọng dần các hoạt động giao tiếp, đặc biệt đang thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về “cách ly toàn xã hội” thì nhu cầu sử dụng hoa phải giảm rất sâu. Hoa không có mặt nhiều ở khách sạn, nhà hàng vì đóng cửa; hoa thưa vắng nơi chuyện buồn như đám tang, nơi chuyện vui như sinh nhật, cưới hỏi, nơi sinh hoạt đông người như lễ hội, hội nghị… Hoa cũng không thể xuất ngoại khi các cửa khẩu tạm ngưng. Toàn huyện Lạc Dương có ít nhất 53 vựa thu mua hoa, vận chuyển, cung cấp toàn quốc hầu hết đóng cửa, chấm dứt thu mua. Các loại hoa hồng, cúc, lily, đồng tiền, salem, cẩm chướng... đều lâm tình trạng ế ẩm, rất khó tiêu thụ từ giữa tháng 3. Tôi và anh Công, chuyên viên Phòng NN&PTNT Lạc Dương đến các vườn hộ trồng hoa trong nỗi niềm ấy. Khói từ những đống hoa do nông dân người Kinh và người K’Ho cắt bỏ tấp đốt bên đường, lửng lơ ngoằn ngoèo trắc ẩn giữa trời xanh…  
 
Ở thị trấn Lạc Dương, hộ DTTS trồng hoa hồng nổi tiếng mấy năm nay là bà Păng Tiêng Jờt, 61 tuổi, ở thôn Bon Đưng 1. Nhân lực trong nhà đông, cả gia đình 5 con gái đều ở chung. Ngoài hơn 2 sào đất của nhà, hộ này còn thuê hơn 5 sào để trồng hoa hồng. Biết chúng tôi đến chia sẻ tình hình sản xuất hoa, bà  hỏi ngay: “Mình lên ti vi 2 lần rồi đấy, lúc hoa đẹp. Lần này sao không thấy ai về?”. Ông Vinh là chủ vựa mua hoa của gia đình bà, nhưng con trai bà cho biết “mỗi ngày chỉ đi được một thùng, hoa vườn nhà ông đã đủ rồi nên người ta phải bỏ. Mình phải bán trôi nổi chứ sao”. Từ khi có dịch, giá hoa hồng tuột dần tận đáy, nhà nông choáng váng: 100-200 đồng/cành. Rồi cành hoa hồng “chết yểu” vì hết mối bán, nhà nông như rơi không trọng lực. Nghiệt là, xót xa mấy cũng phải ngày cách ngày ra vườn để cắt những cành hoa “đã đến thì thì phải nở, nhưng gả chả ai yêu”, không thì hư cây. “Ba tuần nay cắt bỏ hết”, con gái bà Jờt nói. Dọc mé hồi nhà, chứng kiến có 5 đống cành hoa hồng ứa nhựa chưa mang đi đốt, nỗi buồn bảng lảng quẩn quanh tôi. Chúng tôi đi cùng bà Jờt giữa rực rỡ muôn màu sắc của hơn 10 loại hồng. Đứa bé cháu ngoại được choàng trong tấm thổ cẩm, gục đầu vào lưng bà để ngủ. Con gái của bà đã được vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng trong một năm, còn gia đình đang làm giấy tờ vay Ngân hàng Nông nghiệp. Anh Công xác nhận, thời điểm bây giờ, tổng mức đầu tư mỗi sào khoảng 180 triệu đồng. “Đầu tư bao la” như bà Jờt nói. 
 
Chúng tôi còn đến một số vườn hộ khác như bà Păng Tiêng Jờt 55 tuổi, thôn Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương. Gia đình này trồng hoa hồng và một ít hành, thế chấp đất vay Ngân hàng Nông nghiệp gần 1 tỷ đồng, nay còn nợ 600 triệu đồng. “Nếu tháng này mà ngân hàng đòi nợ là không có trả rồi”, bà nói. Hành thu hoạch trúng dịch nên giảm hơn 50% giá; còn hoa hồng trước bán theo hợp đồng 1,2 ngàn đồng/cành, giờ giá thấp quá đã cắt bỏ 4 lứa. Hộ Cil Ben (25 tuổi, cũng ở thôn Bon Đưng 1) thì khác. Đây là năm đầu tiên chuyển đổi cả 6 sào từ rau sang hoa hồng. Tám người trong nhà, từ cha mẹ đến anh chị em tập trung sản xuất hoa. Giống mới, cây mập ú, hoa đẹp nên nhà vẫn còn mối bán. Nhưng… một bó 100 cành giá chỉ 10-20 ngàn đồng! Buồn ở chỗ, “Trước dịch chưa có bông, gặp dịch thì đang có bông luôn. Thu hoạch được thì không có giá nữa”, giọng Cil Ben nghèn nghẹn. Vườn nhà cô đã thu hoạch được khoảng 25.000 cành hồng. Đầu tư toàn bộ hơn 2 tỉ đồng. “Ông bà già làm thủ tục vay ngân hàng nhưng chưa được giải ngân”, cô nói. 

Hình 2
Hình 2

Hoa muôn nhà lại “đẹp”
 
Ở xã Đạ Sar, anh Krajan Ha Kim, trước là Chủ tịch UBND xã, nay làm Chủ tịch HĐND xã. Anh cho tôi biết, bà con nông dân DTTS trong xã đã vay Ngân hàng Nông nghiệp được khoảng hơn 40 tỉ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 30 tỉ đồng. Xã có 36 ha, chủ yếu rau. Giá rau giảm tới khoảng 70% so với trước, cũng có vườn rơi vào tình trạng bỏ, không bán được. Ví dụ như hộ Liêng Jrang Hajen Thôn 1, có 3 sào hoa cúc, salem cũng đang điêu đứng... Ha Kim cũng mong muốn các cấp tỉnh, huyện và Trung ương có chính sách hỗ trợ đối với những hộ rơi vào khó khăn do ảnh hưởng từ dịch.
 
Huyện đã có những giải pháp gì trước tình hình nông nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 chưa - câu hỏi chúng tôi gửi đến Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương. Ngày 14/4, ông Sử Thanh Hoài trả lời: “Có đấy, có đấy, anh em đang triển khai anh ạ”. Một trong những chủ trương đó là ngày 7/4, Thường trực Huyện ủy Lạc Dương có văn bản chỉ đạo tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng gặp khó khăn do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 như hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị mất việc làm,… cho công tác triển khai hỗ trợ theo quy định của Nhà nước thời gian tới. Phó phòng NN&PTNT Lạc Dương Nguyễn Duy Hưng trao đổi với tôi: Phòng đang tham mưu UBND đề nghị tỉnh ưu tiên đầu tư máy móc chế biến hàng nông sản để hạn chế ảnh hưởng COVID-19. Theo đó, huyện sẽ thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Giải pháp về lâu dài, Lạc Dương xây dựng thương hiệu hoa hồng Lang Bian để nâng cao giá trị. Giải pháp gần là khuyến khích nông dân dịp này chuyển đổi hoa già cỗi bằng giống mới; và trước mắt, luân canh chuyển vụ sang trồng rau. Và sự đồng lòng chung tay giữa người dân bên chân núi Bà Lang Biang với Nhà nước trước đại dịch chính là giải pháp quan trọng để hoa muôn nhà lại “đẹp”. 

PHÓNG SỰ: MINH ĐẠO 

Lượt xem: 1.893
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007617262
  •  Đang online: 202
  •  Trong tuần: 16.023
  •  Trong tháng: 139.134
  •  Trong năm: 139.134