Phải triển khai cho được hồ sơ sức khỏe điện tử In trang
26/05/2020 08:50 SA

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến tại cuộc làm việc với ngành Y tế tỉnh vào đầu năm 2020. Đến nay, ngành Y tế đã đẩy mạnh thực hiện kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (Electronic Health Record - EHR) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Chương trình khám bệnh lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người cao tuổi ở xã Xuân Trường - Đà Lạt vào năm 2017
Chương trình khám bệnh lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người cao tuổi ở xã Xuân Trường - Đà Lạt vào năm 2017

Sự cần thiết phải có hồ sơ sức khỏe điện tử
 
Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. EHR là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.
Đối với người dân, EHR giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.
 
Đối với người thầy thuốc, EHR cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) của mỗi người dân. Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. EHR giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.
 
Đối với công tác quản lý, việc triển khai EHR giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe lớn của ngành Y tế mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành Y tế các chỉ đạo rất kịp thời về phòng, chống dịch bệnh nói riêng và có các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.
 
Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về KCB của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí KCB bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm (nếu có).
 
Như vậy, việc xây dựng hệ thống EHR rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành Y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành Y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết số 20-NQ/TW.
 
Đảm bảo mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử
 
Theo kế hoạch triển khai EHR cho toàn dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020 đảm bảo mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia. Đối tượng được lập hồ sơ quản lý sức khỏe là toàn bộ người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý sức khỏe là Sở Y tế, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và các cá nhân có liên quan tại các đơn vị nêu trên. Phạm vi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại 142 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Mục tiêu cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống EHR, đảm bảo quản lý đầy đủ các thông tin theo quy định tại Quyết định 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế về ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cung cấp các giao diện tương tác với Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ sở KCB, chuyên gia y tế và người dân.
 
Hệ thống y tế, dân số tiến hành thu thập trực tiếp thông tin sức khỏe của người dân hoặc thu thập từ cơ sở KCB vào EHR thông qua các tiêu chuẩn của ngành Y tế đã ban hành, bao gồm tiêu chuẩn quốc tế HL7 và chuẩn định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB theo Quyết định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ Y tế.
 
Mục tiêu trong năm 2020, ngành Y tế Lâm Đồng triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tối thiểu 80% người dân được lập EHR, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm Dữ liệu Y tế Quốc gia.
 
Đến năm 2025, có 95% người dân trên địa bàn toàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở KCB trên cả nước.
 
Theo kế hoạch triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo các yêu cầu: Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phải đảm bảo tính bảo mật, mỗi người được gắn một mã định danh y tế duy nhất và thống nhất để xem thông tin về sức khỏe của mình. Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân được các cơ sở y tế quản lý, sử dụng nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Bảo đảm liên thông, đồng bộ, kết nối dữ liệu với các hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, hệ thống thông tin tiêm chủng, phần mềm KCB và các phần mềm khác trong lĩnh vực y tế. Đơn vị cung cấp phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (VNPT Lâm Đồng) phải đảm bảo tiến độ cung cấp cũng như hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị khi triển khai thực hiện. 

An Nhiên

Nguồn: Báo Lâm Đồng online

Link: http://baolamdong.vn/xahoi/202005/phai-trien-khai-cho-duoc-ho-so-suc-khoe-dien-tu-3005175/

 

 

Lượt xem: 1.874
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007614392
  •  Đang online: 319
  •  Trong tuần: 13.153
  •  Trong tháng: 136.264
  •  Trong năm: 136.264