Mùa Xuân năm 1971, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, làm phá sản một bước cơ bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", tạo thế và lực mới cho cách mạng miền nam. 50 năm đã trôi qua, nhưng những bài học quý đúc rút từ Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào 1971 vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Các chiến sĩ quân Giải phóng trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ƯU
1. Kiên định đường lối, chủ trương lãnh đạo của Ðảng - Nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Từ đầu năm 1970, khi đế quốc Mỹ thực hiện mưu đồ mở rộng chiến tranh sang Lào và Cam-pu-chia, T.Ư Ðảng Lao động Việt Nam (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam) nhận định: Ðịch sẽ triển khai những bước phiêu lưu quân sự mới, có thể đánh phá quyết liệt tuyến vận tải chiến lược Ðường Trường Sơn nhằm "cắt đứt đường tiếp tế và các cơ sở hậu phương của ta" (1). Ngày 10-10-1970, Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Binh đoàn 70 (B70), bố trí ở nam Quân khu 4, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các đơn vị ở Ðường 9, Mặt trận Ðường 9 - Bắc Quảng Trị (B5), Quân khu Trị - Thiên (B4) và Ðoàn 559 gấp rút điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận, sẵn sàng phối hợp chiến đấu cùng các đơn vị chủ lực cơ động của Bộ.
Tháng 11-1970, Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn phê chuẩn kế hoạch mở ba cuộc hành quân quy mô lớn trên các vùng chiến lược của ba nước Ðông Dương (2), trong đó Lam Sơn 719 là cuộc hành quân có quy mô lớn nhất. Trước động thái của địch, Bộ Chính trị nhận định: Ðây là "điều kiện thuận lợi, cơ hội tốt để tiêu diệt lực lượng địch"(3) và chỉ thị cho Quân ủy T.Ư tập trung chỉ đạo đánh thắng cuộc hành quân đầy tham vọng này. Quán triệt tinh thần đó, ngày 4-2-1971, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Mặt trận Ðường 9 - Nam Lào (Bộ Tư lệnh 702), do đồng chí Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Ðạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.
Ngày 8-2-1971, địch bắt đầu tiến công khu vực Ðường 9 - Nam Lào. Ngày 9-2-1971, Quân ủy T.Ư ra Chỉ thị "Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự mới của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho Chiến dịch X"(4) , kêu gọi: "Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên hãy ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và quyết tâm chiến lược của T.Ư Ðảng... Liên tục tiến công tiêu diệt thật nhiều lực lượng tinh nhuệ của địch, quyết bảo vệ con đường Hồ Chí Minh"(5) . Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của T.Ư Ðảng, Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng, Chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào (30-1 - 23-3-1971) đã giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm phá sản một bước cơ bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ, tạo tiền đề quan trọng để quân và dân ta đẩy mạnh tiến công, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày nay, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, đất nước ta đã có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín lớn đối với các nước trong khu vực và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức khó dự báo. Thực tế đó đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, trọng tâm là Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 31-KL/TW ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự Việt Nam... Với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, quân đội phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 một số quân, binh chủng được xây dựng hiện đại và từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
2. Phát huy sức mạnh của lực lượng binh chủng hợp thành, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động, xây dựng thế trận phản công vững chắc
Ngay khi nắm được âm mưu của địch tiến công vào khu vực Ðường 9 - Nam Lào, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức chuẩn bị về mọi mặt. Ðể thực hiện tốt kế hoạch trên, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng tổ chức, thành lập binh đoàn (B70) tương đương cấp quân đoàn, sẵn sàng tham gia chiến dịch. Tiếp đó, ta tổ chức, bố trí lực lượng có thể đánh địch trên các hướng. Lực lượng ngăn chặn, tạo thế gồm Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) và các đơn vị tại chỗ của Ðoàn 559. Lực lượng trên hướng chủ yếu phía bắc gồm Binh đoàn 70 (thiếu) và phần lớn xe tăng, pháo binh chiến dịch. Lực lượng trên hướng thứ yếu phía nam gồm Sư đoàn 324 (thiếu), Sư đoàn 2 và một phần pháo binh, xe tăng, phòng không chiến dịch. Lực lượng đánh địch ở phía sau, gồm lực lượng tại chỗ của B5 (Mặt trận Ðường 9 - Bắc Quảng Trị), một số tiểu đoàn đặc công của Bộ, Trung đoàn pháo binh 84 và Trung đoàn 2 (Sư đoàn 324). Lực lượng đánh địch trên hướng phối hợp ở phía Tây gồm Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) và lực lượng tại chỗ. Binh đoàn Trường Sơn tổ chức bảy khu vực tác chiến tại chỗ và tám cụm hỏa lực phòng không, sẵn sàng tham gia đánh địch.
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, khi địch bắt đầu tiến công, các lực lượng chiến dịch của ta đã nhanh chóng bước vào chiến đấu hiệu quả: Lực lượng tại chỗ đánh ngăn chặn, làm chậm bước tiến của địch; lực lượng cơ động tổ chức đánh những trận tiêu diệt lớn... tạo thời cơ để chuyển sang tiến công, tập kích các cụm quân, truy kích địch tháo chạy, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi quyết định.
Trong giai đoạn hiện nay, sự biến động của tình hình thế giới, khu vực đặt ra những yêu cầu mới đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Do vậy, cần coi trọng xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ cân đối, đồng bộ, có chất lượng tổng hợp, trình độ, sức mạnh và khả năng phối hợp tác chiến cao. Toàn quân cần tranh thủ đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Ðề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới (giai đoạn 2020 - 2025), điều chỉnh tổ chức, biên chế bảo đảm "tinh, gọn, mạnh". Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới và Kết luận số 64-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Ðồng thời, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân... làm đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ". Ðây là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. Vận dụng nghệ thuật chiến dịch phản công linh hoạt, sáng tạo, chuyển hóa thế trận đúng thời cơ
Thắng lợi của Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển cao về nghệ thuật chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam. Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã đưa nghệ thuật tác chiến phản công lên một trình độ khá hoàn thiện, với các nội dung: Lập thế ta, phá thế địch; kết hợp hiệu quả hoạt động tác chiến giữa chủ lực cơ động với lực lượng tại chỗ trên địa bàn rừng núi, thưa dân; phối hợp giữa bộ đội Việt Nam và Lào trong phạm vi chiến dịch; kết hợp nhịp nhàng giữa các hướng của chiến dịch; chủ động lựa chọn thời cơ kết thúc chiến dịch. Về phương pháp tác chiến, đó là nghệ thuật điều hành tác chiến ngăn chặn, vây hãm các cánh quân địch, tập trung bẻ gãy từng cánh quân của địch khi chúng đứng chân chưa vững; tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định. Về vận dụng chiến thuật, ta đã kết hợp phòng ngự với tiến công; bao vây đột phá tiêu diệt các cụm lực lượng có xe tăng, thiết giáp của địch; kết hợp chốt chặn đánh địch đổ bộ đường không với cơ động tiêu diệt địch trên điểm cao; lùng sục vây quét địch và truy kích địch rút chạy. Qua đó, đánh bại các thủ đoạn chốt điểm cao, đột phá bằng xe tăng thiết giáp, cơ động bằng máy bay lên thẳng... của địch. Bằng sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật chiến dịch phản công, ta đã đánh bại các biện pháp tác chiến và chiến thuật của địch, làm phá sản công thức "Chủ lực quân Sài Gòn + hỏa lực yểm trợ tối đa của Mỹ" trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.
Bài học về vận dụng nghệ thuật chiến dịch phản công vẫn còn nguyên giá trị đối với quân đội ta hiện nay. Với tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được củng cố, quân và dân ta có đủ khả năng để chủ động triển khai và thực hành những đòn phản công, tiến công, phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện tác chiến hiện đại, làm thất bại mọi mưu đồ gây chiến tranh xâm lược. Ðể thực hiện điều đó, quân đội phải làm tốt chức năng tham mưu với Ðảng, Nhà nước, chủ động xây dựng các phương án, đối sách ngăn ngừa, hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo theo tinh thần Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18-1-2019 của Quân ủy T.Ư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Thực hiện tốt phương châm huấn luyện "cơ bản, thiết thực, vững chắc"; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, diễn tập, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu. Phát huy thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự, khoa học, công nghệ quân sự, công nghiệp quốc phòng, làm chủ vũ khí, trang bị thế hệ mới, hiện đại, nâng cao sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
4. Phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, nhất là sự phối hợp chiến đấu giữa quân và dân Việt Nam - Lào
Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn bán đảo Ðông Dương, Bộ Chính trị họp ngày 19-6-1970, ra Nghị quyết "Về tình hình mới ở bán đảo Ðông Dương và nhiệm vụ mới của chúng ta", nhấn mạnh: "Tăng cường khối đoàn kết chiến đấu nhân dân ba nước Ðông Dương… đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai"(6). Trên cơ sở dự đoán chính xác hướng tiến công của địch vào khu vực Ðường 9 - Nam Lào, T.Ư Ðảng ta xác định: "Phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào và Cam-pu-chia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai"(7) .
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng, từ nửa cuối năm 1970 đến tháng 1-1971, bộ đội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Pa-thét Lào liên tục tiến công địch, giải phóng nhiều vùng phía Ðông Bô Lô Ven, Huội Sài, Pha Lan, Sê Săng Soi... và đẩy mạnh hoạt động sau lưng địch. Chuyên gia Ðoàn 565 cùng Ðoàn 968 Quân Tình nguyện Việt Nam tập trung giúp Quân khu Trung Lào triển khai thế trận, bố trí lực lượng theo phương án tác chiến. Quá trình diễn ra chiến dịch, bộ đội hai nước có sự phối hợp nhịp nhàng, kiên quyết tiến công địch ngay từ đầu. Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào "không chỉ khẳng định sức mạnh to lớn của Quân đội và nhân dân Việt Nam, mà còn là sự khẳng định sức mạnh vĩ đại của tình đoàn kết Việt Nam - Lào"(8) ; là minh chứng sâu đậm của tình đoàn kết quốc tế.
Hiện nay, công tác đối ngoại quốc phòng cần nhất quán chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược theo phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, quân sự của Ðảng, nhất là Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy T.Ư "Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Trong điều kiện đối tượng, đối tác đan xen, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng, gia tăng mức độ đan xen lợi ích chiến lược với các nước. Tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chủ động tham mưu các phương án đấu tranh ngoại giao hiệu quả, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào là dịp để ôn lại, tự hào về chặng đường chiến đấu vinh quang của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Từ đó, tiếp tục phát huy, vận dụng những bài học lịch sử quý báu, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Báo Nhân dân, Viết Liễu tổng hợp
-------------------------------
(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 31, Nxb CTQG, H, 2004, tr.222.
(2) Gồm: Lam Sơn 719, từ Trị - Thiên đánh sang khu vực Ðường 9 - Nam Lào; Toàn thắng 1-71, đánh sang Ðông Bắc Cam-pu-chia và Quang Trung 4, đánh ra vùng ngã ba biên giới phía Bắc Tây Nguyên.
(3) Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 31, Sđd, tr.225.
(4) Chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào.
(5) Chỉ thị 009/QUTW do Bí thư QUTW Võ Nguyên Giáp ký ngày 9-2-1971. Trung tâm Lưu trữ BQP, phông QUTW, hồ sơ 594.
(6) Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 31, Sđd, tr.238 - 239.
(7) Ðề cương tuyên truyền giáo dục về chiến thắng có ý nghĩa chiến lược trên Mặt trận Ðường 9, ngày 19-3-1971. Lưu tại Thư viện Quân đội, số kí hiệu T.6682, tr.6.
(8) Ðảng Nhân dân cách mạng Lào - Ðảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007), Nxb CTQG - ST, H, 2011, tr.464.