ĐBQH Lâm Đồng: Cần minh định rõ các chính sách phù hợp với từng loại hình khen thưởng In trang
28/10/2021 03:25 CH

Sáng 28/10, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 9 để tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

ĐBQH K’Nhiễu tham gia góp ý về Luật Thi đua khen thưởng
ĐBQH K’Nhiễu tham gia góp ý về Luật Thi đua khen thưởng

Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh và đại diện các sở, ngành, đơn vị của tỉnh cùng dự.

Đa số các đại biểu bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc; đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại)…

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), ĐBQH K’Nhiễu - Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý. Theo đại biểu K’Nhiễu, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nội dung dự thảo cơ bản khắc phục được những hạn chế, bất cập qua quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, qua hai lần sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa đầy đủ, cụ thể. 

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng

Theo đó, đại biểu K’Nhiễu góp ý: Thứ nhất, việc xây dựng chính sách cần cụ thể hoá, phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Trong đó, khen thưởng dựa vào kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc là trọng tâm của dự án luật. Điều 4 dự thảo Luật đưa ra 6 loại hình khen thưởng (khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại). Như vậy, xét về tính chất sẽ có 2 nhóm khen thưởng: Nhóm khen thưởng dựa trên kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành công việc; nhóm khen thưởng mang tính chất chính trị, động viên (nhiều hơn là dựa vào kết quả, hiệu quả công việc), dựa vào quá trình cống hiến, niên hạn hay đối ngoại. Trong 2 nhóm trên thì nhóm khen thưởng dựa trên kết quả, hiệu quả công việc sẽ là trọng tâm và phải được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự án Luật. Tuy nhiên, dự án Luật vẫn chưa thể hiện thật rõ quan điểm này trong cả nội dung chính sách và kỹ thuật lập pháp. 

Do vậy, trong một số chính sách còn chưa minh định phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Hệ quả là tiêu chí thi đua không định lượng được, nhiều hình thức khen thưởng vẫn đưa ra tiêu chí về quá trình cống hiến, gối đầu, tích lũy nhiều danh hiệu nhỏ thì mới được danh hiệu lớn.... Sự “gối đầu” trong thi đua thời gian qua đã gây ra tình trạng cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nhường” danh hiệu thi đua, khen thưởng cho cá nhân năm trước đã được khen thưởng để được đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn, trong khi thành tích lại không thuyết phục. Đồng thời, không phù hợp với nguyên tắc khen thưởng mà dự thảo Luật nêu ra tại điểm c, khoản 2, Điều 6 là “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được” khi thành tích đó vẫn được tính là một tiêu chuẩn tích luỹ.

Để khắc phục tình trạng hình thức, không thực chất trong thi đua thì Luật cần minh định rõ các chính sách phù hợp với từng loại hình khen thưởng. Định mức càng cụ thể thì việc đánh giá kết quả thi đua càng chính xác, thực chất. 

Thứ hai, về các loại hình khen thưởng, đại biểu đề xuất bổ sung, mở rộng đối tượng khen thưởng có quá trình cống hiến cho cán bộ cơ sở, thôn, bản bởi đối tượng được khen thưởng Huân chương các loại theo quy định sẽ chỉ bao gồm từ cấp lãnh đạo, quản lý và tương đương trở lên. Thực tế, có trường hợp cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có vài chục năm công tác ở cơ sở, vừa không lương hoặc lương chỉ là tượng trưng, có đủ điều kiện nhưng lại không phải đối tượng khen thưởng Huân chương các loại.

Ngoài ra, đại biểu K’Nhiễu cũng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung về nguyên tắc thi đua, khen thưởng (Điều 6). 

Sau khi nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp thu và giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

NGUYỆT THU

Nguồn: baolamdong.vn

Lượt xem: 2.290
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007471430
  •  Đang online: 167
  •  Trong tuần: 167
  •  Trong tháng: 169.768
  •  Trong năm: 2.595.001