Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý trực tiếp tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV In trang
10/11/2021 08:07 SA

Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là ngày làm việc thứ hai của đợt họp thứ 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trần Đình Văn tham gia thảo luận về kết quả phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn ĐBQH Lâm Đồng
Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trần Đình Văn tham gia thảo luận về kết quả phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Đoàn ĐBQH Lâm Đồng

Phát huy tinh thần trách nhiệm, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp tích cực tại kỳ họp trực tiếp Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.  

Tham gia góp ý tại nghị trường Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ĐBQH Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã phát biểu thống nhất cao quan điểm chỉ đạo, điều hành, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Chính phủ đã bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh việc tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Đại biểu Nguyễn Tạo đề cập thêm một số nội dung: Một là, quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và được xác định là động lực cho tăng trưởng; theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch thì trong hệ thống quy hoạch quốc gia, trước tiên phải tập trung cho quy hoạch tổng thể quốc gia, sau đó quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, sau đó tới quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai Luật Quy hoạch rất chậm, không đủ cơ sở, gây khó khăn trong việc tích hợp các quy hoạch chung như: Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch rừng… Đề nghị cần sớm có quy hoạch tổng thể quốc gia để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, gắn với khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, phát triển các ngành, vùng, địa phương trong thời gian tới.

Hai là, về cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo, trước tình hình khó khăn của kinh tế thế giới và đất nước, để bảo đảm chủ động cho Chính phủ có nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và Nhân dân phục hồi sản xuất, đặc biệt là việc tăng cường nâng cao nguồn lực cho y tế cơ sở vốn đã yếu và thiếu sau đại dịch, tôi tha thiết đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, điều tiết kịp thời đối với các dự án chậm triển khai; phấn đấu tăng thêm số thu ngân sách nhà nước thông qua các nguồn thu còn dư địa và thí điểm cơ chế, chính sách phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới đặc biệt là những địa phương có thị trường bất động sản sôi động…

Ba là, Chính phủ cần quan tâm giải ngân vốn đầu tư công trung hạn; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là có các giải pháp đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (vì còn quá nhiêu khê làm nản lòng các nhà đầu tư, hoặc có vốn nhưng phải chờ công trình được phê duyệt…), đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính liên vùng, liên khu vực, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị... Thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương. Qua thực tế cho thấy việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được triển khai có nhiều lý do; trong đó, có một lý do khách quan tồn tại kéo dài đó là công tác quản lý việc giải phóng mặt bằng, đề nghị Quốc hội quyết nghị cho tách dự án giải phóng mặt bằng giao cho địa phương làm chủ đầu tư đối với các dự án đi qua địa phương mình để đẩy nhanh tiến độ, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Bốn là, về quản lý và sử dụng tài sản công, đây là nguồn lực còn bỏ ngỏ, chưa được khơi dậy và phát huy hiệu quả một cách toàn diện và đầy đủ, còn lãng phí rất lớn và phát sinh nhiều tiêu cực trong thực tiễn đời sống xã hội; đề nghị Chính phủ cần có các chế định đủ mạnh, kiên quyết để thống kê quản lý, điều chỉnh một cách chặt chẽ về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng… Mặc dù đây là nguồn lực lớn nhưng số thu còn hạn chế, tránh tình trạng lãng phí trong thực tế còn diễn ra như: Tình trạng sử dụng sai mục đích, triển khai quy hoạch sử dụng đất chậm, không đồng bộ, tình trạng quy hoạch treo vẫn còn tồn tại…, phát sinh tiêu cực, gây bức xúc trong Nhân dân và dư luận xã hội, kìm hãm sự phát triển đồng bộ, thiếu bền vững.

Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Tạo tham gia phát biểu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Đoàn ĐBQH Lâm Đồng
Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Tạo tham gia phát biểu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Ảnh: Đoàn ĐBQH Lâm Đồng

Tiếp tục tham gia đóng góp cùng các ĐBQH khóa XV, ĐBQH Trần Đình Văn – Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia thảo luận về kết quả phòng chống dịch Covid-19. Đại biểu nhấn mạnh: Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về công tác phòng chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, tôi đánh giá cao công tác điều hành, chỉ đạo trong phòng chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị thời gian qua. Chúng ta luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết. Đồng thời, trong những lúc cam go nhất của công tác chống dịch, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết một lòng để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đến nay nước ta từng bước khống chế được phạm vi tác động của dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến nay vẫn như cơn sóng thần, tấn công hết đợt này đến đợt khác với sự xuất hiện liên tục những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Tình trạng này làm chúng ta phải thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero Covid-19” sang “sống chung an toàn với Covid-19”. Tôi đề xuất, thứ nhất, chúng ta không thể phong tỏa và đóng cửa mãi. Biện pháp này không còn hiệu quả và sẽ vô cùng tốn kém. Mỗi lần chúng ta siết chặt biện pháp phòng dịch, thì hoạt động kinh doanh bị gián đoạn hơn nữa, người lao động mất việc, trẻ em không được đến trường, các gia đình bị chia cách lâu hơn. Tất cả sẽ gây ra áp lực tâm lý và khiến chúng ta kiệt quệ về tinh thần. Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi chiến lược "sống chung với Covid-19", vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thường nhật bình thường nhất có thể, thực hiện các biện pháp phòng dịch và tuân thủ các quy định kiểm soát an toàn. Nhờ có vắcxin, Covid-19 trở thành căn bệnh nhẹ và có thể điều trị được. Điều này đặc biệt đúng khi đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch của người dân nếu bị nhiễm Covid-19, có thể tự điều trị tại nhà, nhưng y tế địa phương phải tạo sự yên tâm cho người dân bằng cách thiết lập đường dây liên lạc thông suốt với nhân viên y tế, thành lập các trạm y tế lưu động, tổ Covid cộng đồng, đội cấp cứu lưu động, hướng dẫn dùng túi thuốc F0 tại nhà.

Thứ hai, chúng ta cần thay đổi về nhận thức, bên cạnh xem Covid-19 là thách thức khó khăn khi mà các mắt xích phát triển kinh tế - xã hội bị đứt gãy, thì Covid-19 cũng là cơ hội để nhìn nhận thực trạng nền kinh tế, công tác chỉ đạo điều hành, sức chống chịu của nền kinh tế, coi đây là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đánh giá kỹ hơn những mặt được, những tồn tại, hạn chế, vấn đề phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương trong công tác phòng chống dịch.

Thứ ba, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cực nhanh và đã lây lan ra toàn thế giới. Thậm chí khi toàn bộ dân số đã được tiêm chủng, vẫn không thể loại bỏ nó bằng các biện pháp phong tỏa và quản lý an toàn như trước đây. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng chiến lược phòng chống dịch bệnh song song với các chương trình phục hồi kinh tế vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa tuân thủ quan điểm không nóng vội, chủ quan, và luôn luôn cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại. Chúng ta cần đổi mới tư duy trong công tác phòng chống dịch, đặt trọng tâm vào phòng chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, với chiến lược bao phủ vắc xin + 5K + ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao ý thức người dân. Trong đó, quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước để chủ động nguồn cung, tự chủ vắc xin đảm bảo cung ứng cho người dân trong nước.

Thứ tư, chúng ta cần xây dựng các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục sau đại dịch. Hiện nay, tỷ lệ lao động mất việc làm lớn; việc người dân di cư, hồi hương cho thấy các doanh nghiệp khi khôi phục sản xuất sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực lao động dẫn đến những khó khăn rất lớn trong sản xuất và cung ứng dịch vụ. Do đó, chúng ta cần quan tâm việc đào tạo mới và đào tạo lại lao động thông qua các chương trình giáo dục và định hướng giáo dục trên cơ sở cơ cấu lại một số ngành nghề, hình thành những ngành mới. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp sắp tới phải đảm bảo dự báo được tình hình chuyển đổi nghề và đảm bảo tính định hướng.

Thứ năm, với số lượng người lớn đi về các địa phương như hiện nay, chắc chắn các khu cách ly tập trung sẽ quá tải, là nguy cơ dẫn đến lây nhiễm chéo. Với chính quyền địa phương theo tinh thần chung của Chính phủ là “sống chung an toàn với Covid-19” nhưng lại chưa chuẩn bị kịp nhân lực, không đủ nguồn lực cách ly, chưa chuẩn bị kịp về năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Vì vậy, phải chuẩn bị phương án là nếu không thể cách ly tốt, thì phải dùng mạng lưới xã, phường để hỗ trợ quản lý cách ly tại nhà. Nhưng một vấn đề đặt ra, vì nó sẽ dễ dẫn đến tình trạng lây lan ra cộng đồng. Nên ngoài ưu tiên khẩn cấp tiêm vắc xin, chúng ta phải tăng năng lực hệ thống y tế cơ sở về nhân lực và trang thiết bị; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở, huy động đội ngũ tình nguyện viên để hỗ trợ khi phát sinh số lượng lớn. 

Thứ sáu, là một tỉnh có tiềm năng du lịch, tôi đề nghị cần xây dựng môi trường du lịch an toàn, giải pháp ưu tiên là các bộ, ngành liên quan (ngành du lịch, y tế) cần phối hợp chặt chẽ sớm ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến du lịch để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch. Cụ thể là xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong cả nước; quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh. Từ đó, các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút khách du lịch trên cơ sở xây dựng môi trường du lịch an toàn, áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân tại các điểm đến du lịch, đồng thời xúc tiến điểm đến mạnh mẽ để thu hút khách du lịch.

NGUYỆT THU

Nguồn: http://baolamdong.vn

Lượt xem: 2.394
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007630349
  •  Đang online: 163
  •  Trong tuần: 29.110
  •  Trong tháng: 152.221
  •  Trong năm: 152.221