ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG: CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ CẦN TRIỂN KHAI CỤ THỂ, LINH HOẠT In trang
05/01/2022 01:45 CH

Chiều ngày 04/01, tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thống nhất cao với tính cần thiết và phù hợp với thực tiễn khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ.

Tham gia thảo luận từ điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn khẳng định, các giải pháp tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được đưa vào dự thảo Nghị quyết khá tổng thể, toàn diện, đầy đủ từ quan điểm, mục tiêu, các giải pháp, phương án huy động nguồn lực, thí điểm cơ chế đặc thù, tổ chức thực hiện và giám sát. Do tính chất cấp bách của tình hình thực tiễn, đòi hỏi nội dung các cơ chế đặc thù trong dự thảo Nghị quyết cần được quy định cụ thể, rõ ràng, bảo đảm thi hành được ngay, không phải “chờ” văn bản hướng dẫn thi hành.

Đại biểu Trần Đình Văn cho rằng, về các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Điều 3 của dự thảo Nghị quyết), đề nghị Chính phủ cần: (1) xác định nhu cầu kinh tế từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách cho phù hợp hơn; (2) cần lượng hóa, đánh giá tác động thêm về lạm phát và (3) cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa giải pháp “tài khóa” với giải pháp “tiền tệ”.

Đối với giải pháp tài khóa quy định tại khoản 1, Điều 3, đại biểu Trần Đình Văn nhận định, còn có nhiều điểm chưa hợp lý khi quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng (điểm a, khoản 1 của Điều 3). Cụ thể như sau:

Thứ nhất, mức giảm có thể thấp hơn nữa, việc giảm từ 10% xuống còn 9% là chưa thực sự phù hợp, Chính phủ cần có sự đánh giá lại ở điểm này.

Thứ hai, điều kiện giảm đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% là thiếu chính xác bởi vì nhiều ngành dịch vụ ngân hàng hiện nay không áp dụng mức 10%.

Do đó, đại biểu Trần Đình Văn đề nghị, cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Bởi vì, làm được điều này, chúng ta vừa kích thích thị trường, vừa hỗ trợ cho cả cung - cầu, mang lại giá trị cho xã hội rất tốt. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với giải pháp khác.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Văn nhận định, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định. Ở giai đoạn hiện tại, tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, chi cho phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và do đó là khoản chi tất yếu. Tuy nhiên, chi cho phòng, chống dịch cần tính thêm khoản chi cho mua vắc-xin (tới đây không còn được viện trợ) và mua thuốc chữa trị COVID-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm riêng, không nên nằm trong quy định về chi đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa tiêm vaccine và điều trị Covid để giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước, đồng thời, phải chủ trương xem Covid là một bệnh đặc hữu, từ đó, cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân.

Thứ hai, đây là thời điểm vàng cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải. Tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân ít, nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng. Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó, có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ cho xã hội, cuối cùng, sẽ đạt được đáp ứng mục tiêu kích cầu.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ

Còn theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, thứ nhất, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ nên được tiếp tục triển khai trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để có thể khắc phục những tác động bất lợi mà dịch COVID-19 gây ra, hỗ trợ đà phục hồi kinh tế nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là “vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”. Do các yếu tố về lạm phát, thanh khoản, lợi tức trái phiếu vẫn đang khá thuận lợi, nên ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thứ hai, cần tiếp tục vận dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo và duy trì thanh khoản hệ thống, đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của đại dịch COVID-19. Trong năm 2020, lãi suất cơ bản được ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt trên nền tảng 3 lần giảm lãi suất và lãi suất trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Giữa tháng 7/2021, 16 ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Có thể nói, việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 sẽ hỗ trợ cho những khu vực này có thể nhanh chóng ổn định và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc tiếp tục các biện pháp hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức tín dụng để khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực này. Thông qua những kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục xem xét điều chỉnh linh hoạt các quy định quản lý giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng trên cơ sở bám sát các diễn biến vĩ mô. Cụ thể như tăng quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng trong các quyết định cho vay với khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thông tư số 14/2021/TT-NHNN vừa ban hành đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này đã giúp các khách hàng doanh nghiệp cơ cấu lại dòng tiền, hỗ trợ nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại.

Thông qua việc cơ cấu lại nợ, các tổ chức tín dụng có thể đề xuất phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn, qua đó có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chưa có gì đảm bảo chắc chắn sau 12 tháng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Do đó, ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc cho phép các tổ chức tín dụng chủ động xác định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ căn cứ dựa trên đánh giá nguồn thu, dòng tiền thực tế của khách hàng.

Thứ tư, dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, đòi hỏi sự chủ động thích nghi thông qua chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, là chìa khóa để phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thanh toán và hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh áp dụng các giao dịch “phi tiếp xúc”.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Với những vấn đề đặt ra hiện nay đối với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cùng với những kinh nghiệm quốc tế, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo nhấn mạnh:

Thứ nhất, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”, điều này phù hợp với chiến lược mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thay vì chiến lược “Zero COVID-19”.

Thứ hai, do dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách mới cần đưa ra các giải pháp cụ thể hóa, cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch, tạo điều kiện để thu hút thị trường lao động, hỗ trợ an sinh xã hội (thông qua doanh nghiệp), đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động.

Về quy mô của các chính sách hỗ trợ được ban hành, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ dự kiến triển khai… nhưng chưa được tính toán cụ thể. Đại biểu đề nghị đánh giá tác động cụ thể hơn, đánh giá khả năng hấp thụ của nền kinh tế với các chính sách, đánh giá nhiều chiều việc thực hiện các chính sách nêu trên đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu, ở đây chưa thể hiện được tác động đến lạm phát cụ thể; chưa có đánh giá đối với tình hình nợ xấu trong thời gian tới, vì vậy cần tính toán kỹ dư địa chính sách trong thời gian triển khai Chương trình và trong cả giai đoạn 2021-2025 để làm rõ khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.

Về áp dụng thí điểm một số cơ chế đặc thù, cần cân nhắc kỹ lưỡng, theo đại biểu Nguyễn Tạo, cần đánh giá tác động cụ thể của các cơ chế, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa trách nhiệm giám sát của các cơ quan có liên quan, để đảm bảo việc thực hiện các cơ chế đặc thù phải phát huy hiệu quả tối đa, công khai minh bạch, đảm bảo không phát sinh tiêu cực, không phát sinh hiện tượng “đầu cơ chính sách”, tham nhũng và lợi ích nhóm.

Về cách thức triển khai thực hiện, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách hỗ trợ trước đây, đề nghị Chính phủ khi tiến hành triển khai chủ động, linh hoạt tính toán cả về quy mô và thời gian thực hiện, đảm bảo tính nhanh, gọn, đơn giản, hiệu quả cao, áp dụng tùy theo diễn biến dịch bệnh và tốc độ phục hồi của nền kinh tế, để tránh trường hợp như một số nước đã bổ sung ngân sách nhiều lần hoặc tung ra các gói kích thích mới khi nền kinh tế vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore…/.

Kim Liên - Việt Bảo

Nguồn: quochoi.vn

Lượt xem: 2.133
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007473080
  •  Đang online: 178
  •  Trong tuần: 1.490
  •  Trong tháng: 171.418
  •  Trong năm: 2.596.651