Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 3/2022 In trang
03/03/2022 03:13 CH

Chiều 2/3, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 3/2022.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại hơn 1.500 điểm cầu trên cả nước với gần 38.000 đại biểu tham dự. Đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

 Điểm cầu tỉnh Lâm Đồng với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Mỵ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tham dự có đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; các đồng chí báo cáo viên Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn thành phố Đà Lạt; lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Hội Khuyến học tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Dương; Ban Tuyên giáo (Tuyên huấn) các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh.

 Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề Cục diện thế giới hiện nay - Tác động và chính sách của Việt Nam; đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin chuyên đề Một số kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 Đối với cục diện thế giới hiện nay, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina khiến giá dầu tăng, gia tăng lạm phát, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế chung của toàn thế giới. Đặc biệt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga khiến kinh tế Nga chịu ảnh hưởng nặng nề, điều này tác động tiêu cực đến cả thế giới. Xung đột giữa Nga và Ukraina đã tác động đến nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến Việt Nam.

Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

 Đối với Việt Nam, cả Nga và Ukraina đều là đối tác quan trọng. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tác cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam giữ vững nguyên tắc 4 không: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Việt Nam kêu gọi Nga và Ukraina giảm căng thẳng, ngừng bắn, bảo đảm an ninh an toàn, nhu cầu thiết yếu của người dân, bảo đảm an ninh an toàn cho cộng đồng người nước ngoài đang sống tại Ukraina; trong đó, có người Việt Nam…

 Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ: Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược quan trọng về phòng chống dịch từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch bệnh sang chung sống an toàn. Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh/thành phố đã tổ chức triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch. Tính đến ngày 01/3/2022, trong tổng số 10.604 xã/phường có 5.555 xã/phường cấp độ 1 (52,4%); 2.830 xã/phường cấp độ 2 (26,7%); 1.827 xã/phường cấp độ 3 (17,2%); 373 xã/phường cấp độ 4 (3,5%). Tính đến ngày 27/02/2022, cả nước đã ghi nhận trên 3,44 triệu ca mắc, trên 2,43 triệu người đã khỏi bệnh (72,6%), 40.144 ca tử vong (1,16%). Đã ghi nhận các ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại một số tỉnh, thành phố.

 Tổng số vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận đến ngày 28/02/2022 là 218.022.984 liều. Kết quả tiêm chủng đến hết ngày 27/02/2022 đã tiêm 193.625.095 liều, tỷ lệ sử dụng đạt 95,9% số vắc xin phân bổ 128 đợt, trong đó 53/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%, 10/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

 Nghị quyết số 128/NQ-CP được triển khai đã tạo được khung pháp lý vững chắc giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp với các cấp độ dịch. Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, văn hóa, xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

 Mặc dù số mắc có xu hướng tăng nhưng số trường hợp diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy… giảm nhiều so với trước. Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, được dư luận, người dân đồng tình, doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế và tạo ra sự thay đổi mới trong tư duy, phương thức phòng chống dịch; từng bước khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với cấp độ dịch của địa bàn…

 Định hướng công tác tuyên truyền và kết luận hội nghị, đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở căn cứ thông tin, tài liệu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thứ trưởng Bộ Y tế vừa cung cấp để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Về tình hình Nga - Ukraine, Ban Tuyên giáo các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở bám sát quan điểm chính thức của Việt Nam, các chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao khi thông tin, tuyên truyền. Nội dung thông tin, tuyên truyền chú trọng, đề cao hoà bình, vai trò của giải pháp chính trị hoà bình, hoà giải và đàm phán trong giải quyết các tranh chấp; vai trò quan trọng của luật pháp quốc tế; tinh thần đoàn kết quốc tế, nhân đạo, nhân văn; không trích dẫn thông tin thiếu kiểm chứng, không sử dụng các từ ngữ không phù hợp; tuyên truyền khẳng định trong tình hình phức tạp hiện nay tại Ukraine, với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan.

 Về công tác phòng chống dịch Covid-19 cần tập trung tuyên truyền một số nội dung như: Tuyên truyền sâu rộng Công điện số 170/CĐ-TTg ngày 23/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vắc xin và một số biện pháp đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19; tiếp tục tuyên truyền thực hiện nghiêm các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, biện pháp, phương pháp trong phòng chống dịch Covid-19 đã được Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện có hiệu quả trên thực tế, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP.

 Cùng với đó, tuyên truyền kết quả về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; về lễ hội đầu Xuân năm 2022 nhằm tuyên truyền về các giá trị văn hóa, bồi đắp giá trị truyền thống của ông cha, vừa quảng bá các giá trị văn hóa của địa phương; tuyên truyền về Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022), lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam…

 

Theo Báo Lâm Đồng

 

Lượt xem: 1.445
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007619291
  •  Đang online: 468
  •  Trong tuần: 18.052
  •  Trong tháng: 141.163
  •  Trong năm: 141.163