Quốc hội thảo luận về sở hữu trí tuệ, có liên quan Quốc kỳ, Quốc ca In trang
30/03/2022 04:39 CH

Theo đại biểu Quốc hội chuyên trách, cần có thêm quy định về quyền tác giả để vừa giữ tính pháp lý, sự tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Sáng 28/3, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 Dự án Luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp họp thứ 2 (tháng 10/2021), dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Sửa đổi, bổ sung 103 điều

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết còn 2 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội.

Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính); có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này được chỉnh lý theo hướng, đối với phần sở hữu công nghiệp và phần giống cây trồng, dự thảo Luật đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện, phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động, không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì (Điều 86a, Điều 164); đồng thời xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả, tổ chức chủ trì nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW (các điều 133a, 135 và 136a, 191, 191a, 191b và 194).

Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ), đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, theo đó, không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (để chuyển sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự) như một số ý kiến đề nghị.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) chỉ rõ các vi phạm về sở hữu trí tuệ có thể là vi phạm trong các giao dịch dân sự, có thể là vi phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước.

Theo quy định hiện nay, chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể khởi kiện ra Tòa để giải quyết tranh chấp theo cơ chế dân sự, đồng thời vẫn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước xử lý hành chính.

Như vậy, vẫn tạo thuận lợi cho người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cũng có cơ chế xử lý hiệu quả những vi phạm này.

Ngoài ra, theo đại biểu, thực tế hiện nay, nếu giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ bằng cơ chế Tòa án, không có xử lý hành chính hay xử lý ở phạm vi hẹp sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống Tòa án về cả số lượng công việc, năng lực, sự chuẩn bị chuyên môn trong điều kiện chưa có tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Do đó, việc giữ như quy định hiện hành là phù hợp.

Giải trình thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ trật tự quản lý hành chính Nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Biện pháp này có tính chất, phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

Việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

 So với dự thảo được trình tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.

Điều này vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này. Tuy nhiên, về nội dung cụ thể Chính phủ đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy quy định “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật” là nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật, hơn nữa cũng không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, nên đề nghị không bổ sung vào Điều 7.

Do đó, ghi nhận một phần ý kiến của Chính phủ và sửa đổi, dự thảo Luật quy định:  "Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”

Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị bổ sung quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vì nhiều nước có quy định riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; có nước có quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Phân tích dưới góc độ bản quyền, đại biểu cho rằng nếu không có quy định cụ thể về quyền tác giả, quyền có liên quan thì có thể xảy ra việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng theo quy định pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, hoặc lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến, sử dụng thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có chứa Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Do đó, cần thiết có thêm quy định để vừa giữ gìn được tính pháp lý, sự tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến cho nhân dân và hội nhập quốc tế.

 

(Theo Vietnam+)

Lượt xem: 1.183
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007472820
  •  Đang online: 111
  •  Trong tuần: 1.230
  •  Trong tháng: 171.158
  •  Trong năm: 2.596.391