Lâm Đồng 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh In trang
30/08/2019 12:00 SA

Ngày 9/9 tới đây, cả nước sẽ long trọng tổ chức Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta “tự kiểm” lại mình đã làm được những gì theo Di nguyện của Người.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi đời sống Nhân dân ở Đam Rông. Ảnh: V.Tòa
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi đời sống Nhân dân ở Đam Rông. Ảnh: V.Tòa

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Người căn dặn, sau khi kháng chiến thắng lợi, phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, vì Nhân dân lao động đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân. Người khẳng định rằng Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng, vì vậy Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

50 năm qua, kể từ ngày thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã không tiếc máu xương, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành Di nguyện của Người.

Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, giải quyết dứt điểm tình trạng fulro, đảm bảo cuộc sống yên bình cho Nhân dân. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn tha thiết về công tác đền ơn đáp nghĩa: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực, cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Với cả tấm lòng thành kính với Người, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã làm tròn đạo lý đó, giải quyết tốt chính sách cho 36.256 gia đình và đối tượng thuộc diện chính sách người có công (NCC), trong đó có 4.519 gia đình liệt sĩ, 240 Mẹ Việt Nam anh hùng, 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3.842 thương binh, 1.909 bệnh binh, 77 cán bộ lão thành cách mạng, 108 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.315 người có công với cách mạng và 2.106 người bị nhiễm chất độc hóa học. Bằng nhiều hình thức, Lâm Đồng đã huy động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ nguồn vốn, dạy nghề giải quyết việc làm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng... đảm bảo cuộc sống ổn định, với mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú. Nhiều gia đình trở thành những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh...

Một góc nông thôn mới Bảo Lâm. Ảnh: V.Tòa
Một góc nông thôn mới Bảo Lâm. Ảnh: V.Tòa

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Sau 44 năm giải phóng, nhất là sau 33 năm đổi mới, Lâm Đồng đã quyết tâm thực hiện Di nguyện đó của Người. Đến nay, diện mạo Lâm Đồng từ thành thị đến nông thôn, không ngừng đổi mới và phát triển.

Mức tăng trưởng kinh tế hàng năm trên dưới 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm; hộ khá, giàu tăng mạnh; xuất hiện nhiều tỷ phú nhà nông với mức thu nhập dao động từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 2%; chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần giữa nông thôn với thành thị; giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số đã được rút ngắn. Giao thông nông thôn Lâm Đồng đến nay đã nhựa hóa và bê tông hóa đường liên xã, liên thôn; 90% cứng hóa đường nội đồng. Điện đã về tận vùng sâu; đời sống văn hóa tinh thần đã được nâng lên rất nhiều; các phương tiện và điều kiện phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân từng bước được hiện đại hóa...; nếp sống văn minh đã bắt đầu hình thành ở một số vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh...

Nhìn lại thời đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng sáng tạo, phát huy mọi thế mạnh đặc thù cho công cuộc kiến thiết địa phương và là một trong những tỉnh đi đầu hội nhập; điển hình là ngành công nghiệp chế biến tơ tằm (Ý, Nhật, Hàn, Ấn); chè xuất khẩu (Nga, các nước khối Trung Đông); ứng dụng “Nông nghiệp công nghệ cao” với hàng trăm dự án đầu tư từ Hà Lan, Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp; duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với tỉnh Champasak (Lào), Xiêm Riệp (Cam Pu Chia)...

Dẫu còn những khó khăn và hạn chế, nhưng có thể khẳng định 50 năm thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã làm được nhiều điều trong kiến thiết và phát triển địa phương, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn như Di nguyện của Người.

Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn phấn đấu giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng; nghiêm túc thực hành dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình trên tinh thần vì Đảng, vì dân, thương yêu đồng chí nhưng không bao che, dung túng, luôn giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng, tăng cường chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Công tác chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc của Người cũng đạt được nhiều thành tựu. Nhiều cán bộ, đoàn viên đã được rèn luyện, trưởng thành, được Đảng bộ và Nhân dân trao giữ trọng trách trong bộ máy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lâm Đồng đã làm được nhiều điều theo Di nguyện. Nhưng với tất cả lòng thành kính với Bác mà trung thực nói rằng, Lâm Đồng vẫn còn những điều chưa làm tốt. Có giai đoạn, có thời điểm, có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa rèn tâm, luyện đức, chạy theo lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu, còn quan liêu xa rời quần chúng; chưa thực sự cần kiệm liêm chính; vẫn còn một số cán bộ, đảng viên nặng tư tưởng “địa phương chủ nghĩa”, hẹp hòi, ích kỷ. Có giai đoạn, có thời điểm, Lâm Đồng chưa giải quyết tốt việc của dân, để lòng dân ca thán, nghi ngờ. Lâm Đồng có lỗi với Người và Lâm Đồng đã quyết tâm sửa lỗi.

50 năm thực hiện Di chúc của Người, không chỉ để mỗi tổ chức của Đảng từ các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh tự hào với những gì mình đã làm được mà quan trọng hơn cả là để chúng ta rọi soi những gì chưa làm được và trả lời cho được câu hỏi tại sao bằng một thái độ thành thật và trách nhiệm. Rồi từ đó mà thành tâm, nguyện với Người về những gì đang làm của ngày hôm nay, những gì sẽ làm trong ngày mai và cho cả tương lai theo Di chúc của Người.

VĂN TÒA - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.578
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007471070
  •  Đang online: 165
  •  Trong tuần: 165
  •  Trong tháng: 169.408
  •  Trong năm: 2.594.641