Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - điểm nhấn trong tinh gọn bộ máy In trang
06/09/2019 12:00 SA

Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã tại 3 huyện phía Nam (Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai) vừa được HĐND tỉnh chính thức thông qua và ban hành nghị quyết thực hiện. Đây là một trong những nội dung quan trọng được dư luận và Nhân dân trong tỉnh quan tâm, được coi là điểm nhấn trong tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Những yếu tố tích cực đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự lãnh, chỉ đạo kịp thời của địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Tại kỳ họp thứ 9, các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Ảnh: N.Thu
Tại kỳ họp thứ 9, các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Ảnh: N.Thu

Tinh gọn bộ náy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Thực hiện Kế hoạch số 87 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc triển khai thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị; trên cơ sở Tờ trình số 5294 ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện thẩm tra và nhận thấy đây là nội dung hết sức quan trọng cần xây dựng và ban hành nghị quyết. Theo Nghị quyết 37 thì các xã có quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô thì cần thiết phải sắp xếp lại để hạn chế phân tán, dàn trải nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Lâm Đồng, giai đoạn 2019 - 2021 có 6 đơn vị hành chính cấp xã là Mỹ Lâm, Nam Ninh, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi của huyện Cát Tiên; các xã Hà Đông, Hương Lâm của huyện Đạ Tẻh và một đơn vị hành chính sẽ thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích là xã Đạ M’Ri của huyện Đạ Huoai. Đồng thời, có 3 đơn vị hành chính liền kề có liên quan đến việc sắp xếp, gồm xã Đạ Lây, Mỹ Đức thuộc huyện Đạ Tẻh và thị trấn Đạ M’Ri của huyện Đạ Huoai.

Theo đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai như sau: Nhập 4 xã của Cát Tiên thành 2 xã đó là xã Mỹ Lâm vào xã Nam Ninh thành đơn vị hành chính mới là xã Nam Ninh; nhập xã Tư Nghĩa vào xã Quảng Ngãi thành đơn vị hành chính mới là xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên). Nhập 4 xã của Đạ Tẻh thành 2 xã đó là xã Hà Đông vào Mỹ Đức thành đơn vị hành chính mới là xã Mỹ Đức; nhập xã Hương Lâm vào xã Đạ Lây thành đơn vị hành chính mới là xã Đạ Lây (Đạ Tẻh). Riêng huyện Đạ Huoai, nhập xã Đạ M’Ri vào thị trấn Đạ M’Ri thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Đạ M’Ri.

Theo ghi nhận của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh, việc sáp nhập nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, mở rộng quy mô của một đơn vị hành chính theo quy định và tăng cường các nguồn lực cho phát triển là phù hợp với yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nhận được sự đồng thuận của Nhân dân

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc lấy ý kiến cử tri về phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục. Kết quả lấy ý kiến nhận được sự đồng thuận rất cao của đông đảo cử tri và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể, qua lấy ý kiến cử tri tại các đơn vị hành chính có liên quan thì trong tổng số 15.262 cử tri tham giacó 90,74% cử tri đồng ý và chỉ có 1,01% cử tri không đồng ý.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, các xã được sáp nhập khá tương đồng nhau về truyền thống văn hóa, lịch sử, cộng đồng dân cư, dân tộc, tôn giáo, vị trí địa lý... nên khi sáp nhập sẽ thuận lợi cho việc quản lý điều hành của chính quyền, cũng như sự hòa nhập của người dân sau khi sáp nhập

Theo ghi nhận và phân tích tại kỳ họp, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, chiếu theo các quy định của Trung ương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận cho rằng: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng là một chủ trương lớn của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, theo như tờ trình tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh (khóa IX) là phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển chung của đất nước. Theo đó, các xã sau khi sáp nhập sẽ được mở rộng về không gian, quy mô của một đơn vị hành chính, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân tốt hơn.

Nghị quyết về đề án nêu trên đã chính thức được các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua với tỷ lệ rất cao, đạt 100%. Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống và sớm được thực thi thì đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần sớm thực thi và có biện pháp khắc phục những khó khăn trước mắt như việc sáp nhập sẽ khiến nhiều người dân phải đi lại xa hơn khi đến trụ sở để giải quyết công việc; việc thay đổi các giấy tờ công dân, hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp cũng phải mất thời gian đi lại để giải quyết, sẽ phần nào ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn các xã liên quan.

Về vấn đề này, tại tờ trình nêu trên Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cũng đã yêu cầu chính quyền các địa phương cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Với loại giấy tờ chưa hết thời hạn thì người dân vẫn tiếp tục sử dụng. Mặt khác, khi sáp nhập cũng đặt ra những thách thức mới cần sự đoàn kết, chung tay và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đó là, khi sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là với những cán bộ, công chức sẽ phải thực hiện chế độ tinh giản biên chế, điều chuyển công tác, hoặc khi nhận nhiệm vụ mới đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tăng cường trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở mức độ đòi hỏi cao hơn.

Tin rằng, với trách nhiệm công vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước trong giai đoạn mới, cấp ủy - chính quyền các địa phương sẽ gặt hái nhiều thành công với những yếu tố tích cực, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đây chính là cơ sở, là tiền đề để phấn đấu thực hiện mục tiêu Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đó là: Từ nay đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

NGUYỆT THU - baolamdong.vn

Lượt xem: 2.106
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007259680
  •  Đang online: 175
  •  Trong tuần: 2.899
  •  Trong tháng: 199.654
  •  Trong năm: 2.383.251