ĐBQH Lâm Đồng góp ý Luật Cảnh sát cơ động và Luật Khám bệnh, chữa bệnh In trang
30/05/2022 09:44 SA

Ngày 26/5, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3.

Buổi sáng, các đại biểu đã được nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cảnh sát cơ động, ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý và bày tỏ quan điểm: Trước tiên, tôi cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động; cơ bản nhất trí với các nội dung của Dự thảo Luật trình tại kỳ họp lần này. Sau khi Quốc hội góp ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tích cực phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý về nội dung, kỹ thuật lập pháp và sắp xếp lại vị trí một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong Dự thảo Luật và pháp luật liên quan, tính logic, dễ áp dụng trong thực tiễn

ĐBQH Nguyễn Tạo – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu thảo luận góp ý Luật Cảnh sát cơ động (sửa đổi)
ĐBQH Nguyễn Tạo – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu thảo luận góp ý Luật Cảnh sát cơ động (sửa đổi)

ĐBQH Nguyễn Tạo góp ý: Thứ nhất, tại Điều 9 của Dự thảo Luật quy định 9 nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động, nhưng chỉ có Điều 11, Điều 12 và Điều 13 để cụ thể hóa 3 nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động, đó là “Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao…; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự; bảo vệ trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân”, còn nhiệm vụ chính, cơ bản của lực lượng cảnh sát cơ động là chống hành vi bạo loạn, khủng bố thì Dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, đề nghị quy định rõ và đầy đủ hơn về nhiệm vụ chống hành vi bạo loạn, khủng bố của lực lượng Cảnh sát cơ động.

Thứ hai, tại khoản 3 Điều 10 quy định quyền hạn của cảnh sát cơ động đó là “ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động…”. Đây là nhiệm vụ mà hiện nay đang được giao cho Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, điều hành và giám sát bay quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ “về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”, vì vậy, cần quy định cụ thể về tính phối hợp với Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ này của cảnh sát cơ động. Đề nghị bổ sung điều khoản Chính phủ quy định điều này.

Thứ ba, tại điểm c khoản 2 Điều 7 về hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động quy định “Phòng, chống khủng bố, bắt cóc con tin; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ” mà không quy định rõ phạm vi nội dung, địa bàn hợp tác quốc tế của lực lượng cảnh sát cơ động sẽ dẫn đến khả năng chồng chéo với hoạt động hợp tác quốc tế của các lực lượng khác như: Với cảnh sát biển Việt Nam khi diễn ra trên biển; lực lượng biên phòng ở khu vực biên giới, hải đảo… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định cụ thể nội dung này.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Thanh tra và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

ĐBQH Trần Đình Văn – Phó Bí thư thường trực, Trưởng đoàn ĐBQH tham gia góp ý thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
ĐBQH Trần Đình Văn – Phó Bí thư thường trực, Trưởng đoàn ĐBQH tham gia góp ý thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Trưởng đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trần Đình Văn tham gia góp ý: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hết sức cần thiết, trong bối cảnh Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã qua 13 năm triển khai, bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, nhất là từ sau đại dịch Covid-19 đến nay.

Nhìn chung, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã có những thay đổi tích cực. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, xin góp ý một số nội dung cụ thể như sau: Cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hoá đầy đủ Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết 20-NQ/TW chủ trương “Phát triển đồng bộ, tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám, chữa bệnh công và tư”. Dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn nguyên tắc tổ chức và vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh an toàn cho bệnh nhân và bình đẳng, công bằng giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ y tế.

Bên cạnh đó, thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm Chương X về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, đề nghị nên tách bạch nội dung khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận và nội dung về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh. Nếu để trong cùng một chương như Dự thảo Luật thì đề nghị quy định riêng hai nội dung này thay vì điều chỉnh kết hợp trong cùng một điều khoản (Điều 96, 97).

 

(LĐ online)

 

Lượt xem: 1.989
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007473399
  •  Đang online: 201
  •  Trong tuần: 1.809
  •  Trong tháng: 171.737
  •  Trong năm: 2.596.970