Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên In trang
17/10/2022 08:47 SA

Sáng 14/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trực tuyến đến các cơ quan, đơn vị và địa phương trong nước. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tiếp tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng với sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng

Đoàn đại biểu Lâm Đồng dự Hội nghị trực tiếp tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng có đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng, tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND, UBND; lãnh đạo các ban, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

Tại Lâm Đồng, ngoài điểm cầu tại Hội trường Tỉnh ủy, Hội nghị cũng được trực tuyến đến điểm cầu tại các Thành ủy, Huyện ủy, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghiên cứu những nội dung chủ yếu của Nghị quyết; đồng thời, nghiên cứu tham luận của các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc và các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2030 ghi rõ: Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.

Mục tiêu của Nghị quyết với tầm nhìn đến năm 2045 là phấn đấu Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, đánh giá, gợi mở một số nội dung và tập trung làm rõ 3 câu hỏi: Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045? Những nội dung mới, ý tưởng mới, tinh thần mới của Nghị quyết lần này là gì? Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đã đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực của cuộc sống?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị, trong thời gian tới, cấp ủy Đảng các bộ, ban, ngành liên quan của Trung ương và các tỉnh trong vùng Tây Nguyên tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức được mục tiêu chiến lược của Nghị quyết để đổi mới tư duy trong việc phát triển kinh tế vùng, liên vùng, liên tiểu vùng trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Khơi dậy và phát triển truyền thống cách mạng để các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân trong vùng Tây  Nguyên vươn lên bằng tinh thần tự chủ, tự lập, tự cường. Đồng thời, tăng cường sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển. Đẩy mạnh công tác ưu tiên phát triển kinh tế vùng, đầu tư trọng điểm để lan tỏa trong cả nước.

Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp để các thôn, làng đồng bào các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đều phát triển được đảng viên và thành lập được chi bộ. Qua đó, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các tỉnh biên giới của các nước bạn láng giềng; xây dựng chương trình hành động thật cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả.

 

(LĐ online)

Lượt xem: 2.302
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007477309
  •  Đang online: 184
  •  Trong tuần: 5.719
  •  Trong tháng: 175.647
  •  Trong năm: 2.600.880