Khi người đứng đầu sâu sát cơ sở In trang
21/02/2023 07:29 SA

Không báo cáo, không hội họp, không bàn giấy..., việc Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đi về các địa bàn khó khăn, tới những công trình đang vướng mắc, căn cứ tình hình thực tiễn để đặt những câu hỏi lớn cho chính quyền địa phương và chỉ đạo nhiệm vụ ngay tại hiện trường không chỉ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương mà còn lan toả phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở tới người đứng đầu các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận thị sát và chỉ đạo các vấn đề trong khơi dậy sức dân để thực hiện các công trình giao thông ở huyện Cát Tiên
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận thị sát và chỉ đạo các vấn đề trong khơi dậy sức dân để thực hiện các công trình giao thông ở huyện Cát Tiên

ĐỨNG ĐẦU THÌ PHẢI ĐI ĐẦU

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra một số công tác cũng như các công trình, dự án trọng điểm tại các địa phương.

Chuyến đi cơ sở ngay từ đầu năm này, người đứng đầu Tỉnh ủy đã lần lượt chọn: Di Linh - địa phương đang có nhiều nhiệm vụ đặt ra để về đích huyện nông thôn mới; Bảo Lâm - một trong những địa bàn đang nóng về quản lý, bảo vệ rừng; Cát Tiên - địa bàn có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhóm thấp của tỉnh để kiểm tra và làm việc.

Trực tiếp kiểm tra diện tích rừng quanh khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Di Linh), Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận khẳng định đây là khu vực có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của khu vực này chưa thực sự phát triển. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, chính quyền địa phương đã để lãng phí tiềm năng trên trong một thời gian khá dài và đề nghị huyện Di Linh cần có phương án cụ thể để đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch ở đây, trên nguyên tắc không tác động nhiều vào cảnh quan, đảm bảo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với các diện tích bị lấn chiếm, xâm canh trái phép ở khu vực này, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Di Linh phối hợp với các ban, ngành của tỉnh tiến hành xử lý nghiêm. Nếu cần thiết, báo cáo UBND tỉnh để có phương án cưỡng chế để thực hiện đúng quy định và tiến hành trồng lại rừng.

Tại huyện Bảo Lâm, Bí thư Tỉnh ủy đã thị sát tại các doanh nghiệp mà hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan trực tiếp đến vấn đề quản lý, bảo vệ rừng gồm: Công ty Thủy điện Đồng Nai, Công ty Cổ phần Cao su Bảo Lâm và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm. Vừa kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề cập tới việc đóng góp ngân sách cho địa phương. Đồng chí cũng tìm hiểu các vấn đề liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng và đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với huyện Bảo Lâm, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt nhất việc bảo vệ rừng.

Còn tại huyện Cát Tiên, việc triển khai các công trình giao thông gặp nhiều vướng mắc, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cũng vì thế mà khó khăn. Người đứng đầu Tỉnh ủy đã chỉ rõ hạn chế của địa phương trong việc vận động sức dân. Đồng chí Trần Đức Quận, nhấn mạnh, nếu không khơi được sức dân thì các nhiệm vụ sẽ không thực hiện được. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, trong khi ngân sách khó khăn việc triển khai các công trình phải trên tinh thần tiết kiệm song vẫn đảm bảo hiệu quả. Các công trình không giải ngân được thì tỉnh sẽ có phương án rút vốn. Địa phương không được phép chuyển vốn đầu tư các công trình giao thông sang đầu tư các công trình khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chỉ ra những vấn đề mà huyện Di Linh cần tập trung thực hiện trong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư đồi Thanh Danh
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chỉ ra những vấn đề mà huyện Di Linh cần tập trung thực hiện trong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư đồi Thanh Danh

Xác định rõ quan điểm, sâu sát cơ sở, tích cực kiểm tra, đôn đốc, nắm chắc tình hình để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những bất cập nảy sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cũng đã thường xuyên kiểm tra các công trình trọng điểm tại các địa phương.

Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15 về đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho huyện Di Linh phát triển toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết đang từng bước được đưa vào thực tiễn với các công trình, dự án, cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công trình xây dựng đường nội thị thị trấn Di Linh (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng, tuyến đường vành đai phía Đông thị trấn Di Linh với mức đầu tư 140 tỷ đồng và việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu dân cư đồi Thanh Danh (thị trấn Di Linh). Ngay tại hiện trường, người đứng đầu UBND tỉnh đã chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền địa phương và nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình. Đồng chí Trần Văn Hiệp đặc biệt nhấn mạnh tới các giải pháp để giải phóng mặt bằng với mục tiêu “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, đặt lợi ích Nhân dân lên trên hết”. Ngay tại các công trình, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành hỗ trợ tối đa để các địa phương thực hiện thành công các công trình, tạo tiền đề để các địa phương có thêm động lực cho sự phát triển. 

Khi kiểm tra tình hình sản xuất của người dân quanh các hồ thủy lợi ở xã Tân Thành (huyện Đức Trọng), Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, diện tích đất sản xuất nông nghiệp quanh các hồ thuỷ lợi trên chưa phát huy hiệu quả kinh tế. Dù đảm bảo nước tưới song do chất đất xấu nên diện tích dâu và cà phê canh tác tại đây kém hiệu quả. Nếu tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở khu vực này vẫn không phải là giải pháp khả thi. Hai công trình trên có vị trí gần Quốc lộ 20, giao thông thuận lợi, bởi vậy lãnh đạo huyện Đức Trọng cần năng động, sáng tạo tìm giải pháp phát triển dịch vụ ở khu vực này. Đồng chí Trần Văn Hiệp cũng đã gợi mở một số hướng đi cho lãnh đạo huyện Đức Trọng trong phát triển kinh tế khu vực này thông qua việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sân golf, làm du lịch... để thực sự mở ra sự phát triển mạnh mẽ cho địa phương.

Việc người đứng đầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đi đầu trong việc kiểm tra và nắm chắc tình hình cơ sở cũng thể hiện sự nêu gương để lãnh đạo các ngành, đơn vị, địa phương có sự nhìn nhận và điều chỉnh nhằm thực sự “sâu sát cơ sở” và “gần dân, sát dân”, qua đó nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, tất cả vì sự phát triển chung của xã hội.

PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO SÂU SÁT CƠ SỞ

Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh, chia sẻ: “Việc Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra, làm việc tại cơ sở đã thực sự tháo gỡ nhiều khó khăn cho địa phương, mở ra phương hướng để địa phương đưa ra những quyết sách, xác định những nhiệm vụ đúng trọng tâm và thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới”. 

Khi người đứng đầu cấp tỉnh nắm chắc mọi vấn đề ở cơ sở, lãnh đạo cấp huyện cũng vì vậy mà tự ý thức việc sâu sát cơ sở. “Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cũng phải thường xuyên đi cơ sở. Có đi mới biết được các vị trí điểm nóng hay nguy cơ thành điểm nóng, các vấn đề tồn tại từ lâu hay vừa mới phát sinh. Và cũng chỉ có cách đi cơ sở nhiều, nắm cơ sở chắc mới trả lời được những câu hỏi mà lãnh đạo tỉnh đặt ra”, đồng chí Nguyễn Trung Kiên - Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm chia sẻ.

Và sau chuyến kiểm tra thực tế của Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Khắc Bình - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên đã yêu cầu lãnh đạo địa phương khẩn trương tổ chức cuộc họp để tìm phương án tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các công trình theo định hướng của Bí thư Tỉnh ủy. 

Sâu sát là một tiêu chuẩn đo năng lực, phẩm chất của cán bộ. Tất cả các nghị quyết của Tỉnh ủy, quyết sách của UBND tỉnh đều được ban hành dựa trên thực tiễn. Cán bộ lãnh đạo là người tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết, quyết sách vào thực tiễn, đồng thời là người kiểm tra, giám sát tình hình và kết quả thực hiện. Nếu cán bộ lãnh đạo có phong cách sâu sát thì công việc dù khó khăn, phức tạp đến mấy cũng làm được. Ngược lại, sẽ không đạt kết quả, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Không ít trường hợp, cán bộ cấp trên chỉ xuống làm việc với cán bộ cấp dưới mà thiếu sự nắm bắt những vận động muôn hình vạn trạng ở cơ sở. Trong khi đó, tại các cuộc làm việc, cấp dưới chỉ báo cáo những điều tốt đẹp mà “bỏ quên” những hạn chế, yếu kém đang tồn tại. Vì vậy, nếu người lãnh đạo thiếu sự sâu sát thì sự “bỏ quên” ấy sẽ lan dần ra nhiều cấp và tích tụ thành những bức xúc lớn trong Nhân dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ lãnh đạo: Phải đến tận nơi, xem tận chỗ và phải dựa vào quần chúng Nhân dân để giám sát, kiểm tra, nhằm khắc phục, sửa chữa cái sai, phát huy cái đúng, tốt. Sự sâu sát của cán bộ lãnh đạo sẽ nâng cao tính khách quan, minh bạch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tốt hơn việc thực thi quyền lực và việc sử dụng tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. 

Năm bản lề 2023 đã chuyển, khi những người lãnh đạo cao nhất tiên phong, đi đầu, chắc chắn sẽ mở ra sự đổi mới rõ rệt trong phong cách lãnh đạo sâu sát cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra và xứng đáng với sự kỳ vọng của Nhân dân.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

NGỌC NGÀ - HOÀNG SA

Lượt xem: 3.396
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 007624532
  •  Đang online: 517
  •  Trong tuần: 23.293
  •  Trong tháng: 146.404
  •  Trong năm: 146.403